"Cỏ ơi, mấy bữa nữa là tháng tám, sẽ gặp gió thu hiu hiu buồn buồn. Cỏ viết gì đi, cho tớ đọc, Cỏ nhé..."
"Cỏ ơi,…”
Ơi…
Ơi là bạn… Cứ nói năng, nhắn nhủ nhẹ nhàng đáng yêu như thế này, làm sao ai từ chối cho được kia chứ, làm sao tớ từ chối cho được kia chứ? Cái thứ lời nhắn nhủ nghe cứ như là một mệnh lệnh dịu dàng hết mực nhất của trái tim người, tớ làm sao không vâng theo cho được. Mà… bữa nay vầy là cũng đã nửa tháng tám rồi, nhưng… “gió thu hiu hiu buồn buồn” thì vẫn còn chưa có, đó San. Chỗ của tớ ở, miền nam nước Nga, ngay bên bờ Biển Đen, có khí hậu cận nhiệt, tháng tám vẫn còn là tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè, nắng nóng và những cơn mưa giông ào ạt vào buổi chiều, San ạ! Cho nên… Nhưng mà, tớ vẫn nhớ đấy chứ chẳng phải đã quên lời đã hứa với San bữa nọ…, rằng tớ “… nhất định sẽ chờ, nhất định sẽ chờ những rập rình những rùng mình... đầu tiên của mùa thu để có thể viết một cái gì đó thật nhẹ nhàng thật dịu dàng... để cho San đọc.” San ơi, gió thu hiu hiu buồn buồn thì quả thật đúng là chưa có có, mà tớ thì lại vừa mới gặp phải một vài vấn đề về sức khỏe, về mắt. Bác sĩ cấm, không cho phép tớ tiếp xúc với màn hình máy tính quá 15 phút mỗi ngày (Mà có khi như thế lại hay, lại phù hợp với ước muốn của tớ bây giờ đang muốn rời bỏ, đang muốn ly khai khỏi cái thế giới này, bởi tớ càng ngày càng phát hiện thêm ra… có nhiều quá ở nơi đây những ba hoa sáo rỗng và phù phiếm và bệnh hoạn, những trâng tráo lố bịch và kệch cỡm, cùng đầy dẫy những múa may hồ đồ huênh hoang khệnh khạng… Cũng chẳng phải là tớ bị bất ngờ hay là ngán ngẫm gì… Đơn giản chỉ là chúng làm tớ cứ bị dị ứng khó chịu hoài không dứt, đó San.). Và như thế là... Suốt cả tuần lễ rồi tớ cứ loanh quanh ở nhà không thể đi lang thang đâu được, ngay cả đến bé Út Líp mà tớ cũng không có thời giờ để thăm, 15 phút đồng hồ vỏn vẹn tớ dành trọn cho việc gõ cửa hai ngôi nhà ở nơi Phây-Bút của San (Mà San thì đi đâu vắng, chẳng có lần nào trả lời những tiếng gọi, những tiếng kêu của tớ cả) Xong rồi, hết 15 phút đó, tớ về ngồi với cây bút và tờ giấy trắng, tớ viết cho San… Bởi tớ sợ rằng, lúc gió thu hiu buồn về tới nơi tớ trú ngụ, thì tớ có thể là đang ở đâu đó… xa xa… xa… mất rồi, không biết có kịp quay trở lại, mà để San chờ San đợi lâu lâu… thì tớ không nỡ, tớ không đành lòng…
Tháng tám… Lời San nhắc nhở làm tớ bỗng dưng lại thấy nhớ đến tháng tám một ngày cách đây đã hơn hai mươi năm… Chiếc máy bay khổng lồ IL-86 của Hãng Hàng Không Liên Bang Xô-Viết cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất-Sài Gòn, sau gần 18 giờ bay quá cảnh qua các thành phố của các nước Ấn Độ, Pa-kis-tan, U-zơ-bê-kis-tan…, đã nghiêng cánh chao trên bầu trời Mát-xcơ-va mênh mang vàng nắng. Thủ đô xứ người nằm ở vĩ độ cao, xa trên phương Bắc, cho nên giữa tháng tám là đã nhuốm màu thu, là đã bắt đầu “…mỏng nắng, dịu mây, se se gió chạm vào da thịt” rồi, San ạ, y như là những dòng văn San đã viết vào một năm nào khi mùa thu khẽ khàng về trên đất Đức vậy…. Những cánh rừng bạch dương… Những cánh rừng bạch dương hiền hòa trôi đi… trôi đi miên man dưới cánh máy bay đang hạ dần độ cao. Lúc đó là buổi chiều. Tớ nhớ là nắng nhẹ lắm. Nắng vàng mơ một màu mơ hồ y như trong những câu chuyện cổ tích về cái xứ sở lạ lẫm xa lơ lơ xa lắc lắc… đọc hồi còn nhỏ. Những tòa nhà cao tầng hình hộp lần đầu tiên tớ nhìn thấy từ trên không trung… hình như cũng là đang đứng san sát ngoan hiền và thanh bình nép vào bên nhau trong cùng một màu nắng vàng nhẹ nhàng và dịu dàng của buổi chớm thu Châu Âu huyền thoại. Xe buýt đưa chúng tớ vào thành phố khi bên ngoài chiều đã bắt đầu xuống chầm chậm dần. Nắng chiều thấy cũng đã bắt đầu xuống chầm chậm dần và vương loang lổ lên những vòng tay ôm của các chàng trai và cô gái… đang say đắm hôn nhau nơi những chiếc ghế đá ven đường. Nắng bừng trong những đôi mắt xanh bập bùng như có ánh lửa. Các cửa sổ của xe đều được mở toang hết ra chứ, và tớ cũng nhớ rằng là… hình như gió cũng đã thổi rất nhẹ, rất nhẹ, nhẹ y như là màu của nắng ở bên ngoài xe vậy. Và tớ cũng còn nhìn thấy được bằng một cách thật là rõ nét những làn sương mỏng mỏng giăng giăng như khói cao phía trên những vệt rừng, phía trên những tàn cây bạch dương lá cũng đã đang bắt đầu ngả vàng… Và, những cánh chim bay cuối ngày… Nhớ là lòng cũng đã có cảm thấy chút chút gì ngậm ngùi và xao xuyến lắm… với những câu thơ của Ôn-ga Béc-gôn vang trong tâm trí…
“Những đàn sếu bay qua
Sương mù và khói tỏa
Mát-xcơ-va lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ…”
…
Sau này, vào một trong nhiều nhiều những lần trở lại Mát-xcơ-va lúc buổi đầu thu, tớ đã có viết:
Biết gửi gì cho em chiều nay
Mùa thu rưng rưng mắt nhớ
Đôi cánh chim cuối ngày về tổ
Khói lam trên những vệt rừng dày
Chẳng biết gửi gì cho em chiều nay
Mùa thu thẹn thùng áo mới
Trời xanh, xanh như mời gọi
Nắng vàng rót mật ong say...
Anh sẽ lang thang hết buổi chiều nay
Qua những góc phố quen những công viên ngập ngừng
bóng nắng
Rồi anh sẽ dừng lại bên chiếc ghế đá ven hồ...
yên lặng
Nhớ em một thuở xa vời...
Ờ… Ờ… Là tớ… Là tớ đang… lan man trò chuyện, đang lan man kể chuyện đầu voi đuôi chuột, đầu Ngô mình Sở cho San nghe đấy, San ơi! Tại bởi vì mùa thu chưa tới… Thế cho nên tớ còn biết phải làm gì hơn ngoài cái việc lục lọi tìm lại trong xưa cũ dăm ba mớ chữ vốn đã được định hình từ bao giờ… để gõ vu vơ lên đây cho San đọc tạm. Ờ… Ờ… Mà… cũng tại vì là do tớ nghĩ rằng, là với tớ, điều vu vơ bất kỳ nào đó (miễn là vì San và cho San), thì nó cũng quan trọng ngang bằng với chuyện tớ được ngồi thủ thỉ dài lâu cùng với San về những chuyện mà người đời cho là hệ trọng, tỷ dụ như là chuyện về tình yêu hay như là chuyện về những thứ cảm giác thương mến hay coi thường- khinh thường gì gì… vậy.
Ờ… Ờ… Mà cũng là tại do tớ… Mà cũng là tại do tớ bỗng tự dưng nẩy cái ý muốn muốn thuật lại cho San hay cái cách tớ khởi đầu những tháng tám mùa thu tha hương ở nơi xứ người… của mình, nó như thế nào? Vào cái hồi tớ còn hai mươi tuổi ấy…
“… mấy bữa nữa là tháng tám, sẽ gặp gió thu hiu hiu buồn buồn. Cỏ viết gì đi, cho tớ đọc, Cỏ nhé..."
Ờ… Ờ… Tớ sẽ viết ngay bây giờ đây về cái chuyện tớ có lẽ là sẽ chẳng khi nào quên, cái buổi sáng tháng tám đầu thu cách đây chỉ mới hai năm, tớ mở cái blog này sau cuộc chuyện trò với một người bạn học cũ, sau lời khuyên của người bạn ấy: “Thì gã hãy cứ viết đi. Như là một niềm vui cho tâm hồn.”. Tớ bắt đầu với blog như thế đấy. Tớ viết, lúc đó cũng chỉ như là để tìm cách trả lời cho câu người bạn ấy hỏi: “Gã có khi nào cảm thấy cô đơn hem? Gã cô đơn lắm hem?” Và thế rồi, trong những lần tò mò-lang thang sau đó, tớ đã gặp San… Tớ đã ngạc nhiên, đã sững sờ, và trong âm thầm, tớ đã đọc ngấu nghiến vào bất cứ lúc nào có thể những gì San viết, về gia đình, về bạn bè, về công việc, về tuổi thanh xuân và những mẩu ký ức vụn vỡ mà đầy trong sáng và thân thiết của cả một quãng đời quá vãng đẹp đẽ đã mãi mãi rêu phong…, về những nỗi âu lo của đời sống thường nhật, về những nước mắt và về cả những nụ cười… Bây giờ thật khó để có thể tả lại cho San biết một cách tường tận những cảm xúc tớ đã trải qua ở nơi từng những trang viết của bạn ngày chúng mình mới quen nhau đó. Thật khó. Chỉ biết là trái tim tớ đã “mềm mại” đi biết bao nhiêu, đã “dịu dàng” đi biết bao nhiêu… kể từ những lần đọc những câu thơ, những dòng văn rất mực hiền lành… của bạn; kể từ những lúc xem những bức hình bạn chụp, những bức hình với góc chụp hẹp khiêm khiêm nhường mà tài hoa, và lặng lẽ, và tràn nhẫn nại- cùng biểu cảm…, với gam màu xám-nâu trầm buồn, thứ gam màu lúc nào cũng chỉ như muốn chực chờ để cất tiếng hát lên trong vô ngôn những nỗi niềm thương mến thiết tha, những vỗ về âu yếm gửi trao cùng những bẽ bàng và nghẹn ngào xót xa có thể nhất của số phận… Ờ… Ờ… Mà nói động đến hai chữ “số phận”, không biết San thì có tin vào chuyện có có số phận, hay không, nhỉ? Tớ vừa chợt nhớ tới câu truyện “Cầu vồng trắng” của Paus… viết về cái thứ ánh chớp lạ lùng và kỳ diệu vẫn thường khi thỉnh thoảng có xảy ra đó… Cái thứ ánh chớp của số phận đó… San thì đã đọc hay chưa?
***
Dãy núi Alatao đứng sừng sững ở phía Nam thành phố như một bức trường thành màu xám. Tuyết đã rắc lên các đỉnh núi. Buổi tối trong những căn nhà đều giá lạnh im lìm và tối sẫm. Hoạ hoằn trong vài cửa sổ mới có ánh đèn dầu leo lét. Trong thành phố đèn tắt rất sớm.
Ban đêm, vầng trăng nhô lên trên những rặng thuỳ dương trơ trụi và trong ánh sáng chói chang, thành phố có một vẻ gì dữ dội.
Pêtrốp sống trong căn nhà gỗ nhỏ bên bờ một con suối chảy lượn quanh thành phố sát các lề đường. Tiếng suối reo đều đều không đổi. Đêm đêm trên tấm đệm mỏng trải trên sàn nhà, Pêtrốp nằm lắng nghe tiếng nước tràn qua những viên đá. Sau tường nhà, con lạc đà già nua của hàng xóm chậm rãi nhai nhai mãi không thôi.
Tàu hoả rời thành phố vào ban đêm. Nhà ga vắng tanh. Những hàng cây lạnh giá xào xạc. Đêm châu Á vun tuyết thành đống giữa các toa xe. Chẳng có ai ra ga tiễn Pêtrốp. Anh không có bạn bè và cũng chẳng để lại đây kỉ niệm nào. Không có gì hết ngoài cái cảm giác cuộc sống bị ngưng lại. Mới ngoài ba mươi tuổi nhưng cuộc đời phiêu bạt bơ vơ khiến Pêtrốp sớm cảm thấy mình là một ông già.
Lên tàu, Pêtrốp chui vào mọt góc toa hút thuốc. Ngoài cửa toa một người lính đang chia tay với một người phụ nữ trẻ tuổi. Không hiểu sao Pêtrốp cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe người phụ nữ xưng hô “anh, tôi” với bạn.
Đó là một người phụ nữ cởi mở và trong trẻo. Pêtrốp thầm nghĩ rằng người ta có thể đi đến với giọng nói ấy như một tiếng gọi từ xa, qua sa mạc, qua những đêm sâu mịt mùng, qua thác ghềnh giá buốt, đi cho đến lúc đôi chân rớm máu, gục xuống lại bò tiếp. Miễn là được nhìn thấy cánh cửa, nắm lấy nó và nói: “Đây, tôi đã đến, xin đừng xua đuổi tôi”. Có những giọng nói nghe như một lời hứa hẹn của hạnh phúc.
Tàu chuyển bánh. Pêtrốp ngó ra ngoài cửa sổ. Trên sân ga anh nhìn thấy người phụ nữ trẻ tuổi. Gương mặt tái nhợt, nụ cười, bàn tay giơ lên - chỉ có thế. Bóng tối lập tức ập ngay vào khuôn cửa.
“Nếu anh dừng ở Maxkơva, anh nhớ gọi điện cho Masa nhé!” và chị nói số điện thoại. Pêtrốp nhẩm lại số điện thoại hồi lâu và không tin ở trí nhớ của mình, anh ghi nó lên thẻ quân nhân.
Dọc đường, Pêtrốp luôn ngó ra cửa nhìn những đám tuyết dày đặc, những cột điện thoại nối nhau chạy dài vào nẻo xa màu xám. Thành phố Trung Á xa dần không còn đường trở lại với nó nữa. Nó trở thành hồi ức mờ ảo, như hư như thực, lấp lẫn giữa dòng đời như một ngày đã sống qua giữa ba trăm sáu mươi ngày của một năm dài dặc.
Mùa đông, mùa xuân và mùa hè mưa nhiều trôi qua trong những trận đánh. Khi vượt qua tuyến phòng thủ của quân Đức ở Vitép, Pêtrốp bị thương vào đầu.
Ba tháng anh nằm ở bệnh viện. Ra viện anh được gửi đến một nhà nghỉ để hồi sức sau vết thương nặng nề. Pêtrốp yêu cầu được về nghỉ ở thành phố Trung Á, nơi anh đã được gọi vào quân đội. Gần thành phố có một an dưỡng đường nhỏ ở trên núi.
- Ồ, anh bạn thân mến. – ông bác sĩ già râu bạc, quân hàm nhàu nát nói với anh – Anh nghĩ lại xem! Anh chỉ có một tháng mà đi về đã mất mười ngày rồi
- Có khi một ngày còn quý hơn cả một năm - Pêtrốp cãi lại.
- À, nếu vậy thì… Nếu anh có những lý do đặc biệt để về đấy – Ông bác sĩ làu bàu, thì tôi chỉ biết giơ tay. Tôi đồng ý.
Phải đi qua Maxkơva. Tàu đển Maxkơva lúc nửa đêm và sẽ rời Maxkơva đi Trung Á vào sáng sớm. Cả một đêm dài mệt nhọc đang chờ anh ở Maxkơva. Còn lâu tàu mới đến Maxkơva, Pêtrốp hồi hộp, ngay lúc vừa hoàng hôn khi con tàu tỏa khói lên những cánh rừng bạch dương, chạy trên đất Xmôlenxkơ. Ngoài cửa sổ, những nhà nghỉ tối om, những bãi tuyết và những khu vườn lạnh vùng Kuntxevô lướt nhanh trong bóng đêm. Sau đó hiện lên vùng sáng yếu ớt của bầu trời đêm Maxkơva tối mò và cuối cùng sân ga tăm tối vang động của ga Bêlôruxi về đêm trôi tới rồi dừng lại.
Elêna Pêtrôpna tắt đèn và kéo tấm rèm cửa. Hơi ấm toả lên từ lò sưởi hơi nước. Đêm tối mò trải trên Maxkơva.
- Thế là lại về Maxkơva rồi. Lại xa cái vùng Trung Á- Elêna nói và lấy ngón tay ấn lên đôi mày. Chị thường làm như vậy mỗi khi suy nghĩ. Lại về với công việc quen thuộc, với bạn bè. Mọi chuyện lại như cũ. Còn muốn gì hơn nữa?
- Vậy mình còn mong muốn điều gì hơn nữa?- Chị nhắc lại và im lặng
Một giọt lệ trào trong khoé mắt, chị không chùi đi mà cứ nhìn chằm chằm vào cửa sổ- Ánh sáng ở cột đèn ngoài ngã tư bỗng trở nên sắc cạnh như những ngôi sao bằng kim tuyến trên cây Nôen.
- Giá mà biết được hạnh phúc bí ẩn là gì? Nó ở đâu? Khó mà sống mãi thui thủi một mình và nhìn thấy tất cả dù chỉ là đêm nay, và suy nghĩ về mọi điều, không mỉm cười với ai, không đặt tay lên vai ai và không bảo: “Anh xem, tuyết đang rơi kìa”
Máy điện thoại trên bàn thận trọng reo lên. Elêna Pêtrốpna cầm ống nghe. Giọng nói đàn ông yêu cầu gặp Masa.
- Masa không ở đây nữa- Elêna Pêtrốpna trả lời – Ai hỏi đấy?
- Vấn đề là… tôi không quen cô ấy - Giọng đàn ông trả lời sau một lát suy nghĩ. Nói tên tôi ra chả có ý nghĩa gì…
- Cũng kỳ đấy. – Êlêna Pêtrốpna giễu cợt nói
- Kỳ quá thật!- người đàn ông đồng ý – Tôi vừa ở mặt trận về
- Anh muốn chuyển gì cho cô ấy chăng? Anh ở chỗ anh cô ấy về chăng? Anh ấy cũng ở ngoài mặt trận mà.
- Không, tôi không biết anh cô ấy - người đàn ông trả lời và im bặt
- Làm thế nào bây giờ? Tôi đợi đây- Elêna Pêtrốpna nói – Hay là bỏ ống nghe xuống
- Hãy khoan đã - Giọng nói van lơn- Tôi đang ở Maxkơva đợi chuyển tàu. Tôi đang gọi điện từ sân ga Bêlôruxi. Không hiểu người ta có để cho tôi nói hết không. Bên máy có nhiều người đang đợi.
- Nếu vậy anh nói mau lên
Elêna Pêtrốpna đứng nghe bên cửa sổ. Chị nhíu mày rồi mỉm cười, chìa tay ra cửa sổ - con mèo xám đang bám vào rèm cửa mắt tròn xoe; chị nói: Khẽ chứ! Mày làm gì thế! – Không, tôi không nói với anh mà nói với con mèo con. Chị bật cười, - Tôi đang nghe anh mà chẳng hiểu gì cả. Vâng, vâng. Quả là lạ lùng. Nhưng cũng có thể là điều hay… Tôi không biết… Tôi còn nhớ tất cả: nhà ga, đêm và gió. Chỉ không nhớ có anh thôi. Chẳng lẽ bằng vào giọng nói ư? Anh là một người kỳ lạ. Bao giờ tàu chạy? Tôi cũng chẳng biết nghĩ thế nào nữa… Tất nhiên, đáng tiếc đấy. Anh bị thương nặng ư? Ở đầu à? Ở ngoài ga anh sẽ mệt đến chết mất. Ban đêm anh không được đi lại ở Maxkơva đâu. Họ sẽ giữ lại đấy. Vâng tôi nghe đây – Anh nói đi.
Cuộc nói chuyện bỗng nhiên ngắt quãng. Elêna Pêtrốpna chậm rãi buông ống nói.
- Có thể anh ấy sẽ gọi điện nữa. - Chị nói và ngồi xuống chiếc ghế dựa trên bàn, nhặt mẩu thuốc hút dở và rít mạnh.
Mười lăm phút, rồi nửa giờ trôi qua. Không có ai gọi điện cả. Đồng hồ điểm hai tiếng.
- Không, thế này thì không thể hiểu được! – Elêna Pêtrốpna nói to – Mình phát điên lên mất.
Chị lao lại phía cái tủ và mở tung nó ra. Con mèo phát hoảng chui xuống gầm đi văng. Elêna Pêtrốpna nhanh nhẹn lấy chiếc áo dài đen, dốc lọ nước hoa. Con mèo ngồi ở dưới đi-văng đang thu mình rình chuột, móng vuốt xòe ra giỡn bắt khi thì dải đăng ten khi thì chiếc mùi-xoa mỏng lất phất quanh nó. Nó thích trò chơi này mặc dầu nó nhăn mũi lại và còn hắt hơi về mùi hương lạ lùng của các vật lạ này.
Khi Elêna Pêtrốpna ra khỏi nhà đồng hồ điểm ba giờ. Maxkơva đang ngủ yên trong ánh sáng trắng của tuyết và những cây đèn.
Ở quảng trường Puskin, nhóm tuần tra giữ Elêna Pêtrốpna lại. Chị đưa họ xem giấy tờ và nói rằng chồng chị bị thương ở ngoài mặt trận đang qua Maxkơva. Bây giờ anh ấy đang ở ga Bêlôruxi và chị cần phải được gặp anh ấy. Khi nói đến chữ “chồng” Elêna Pêtrốpna đỏ mặt lên, nhưng không chiến sĩ nào trông thấy điều đó. Các chiến sĩ thì thầm nói với nhau, sau đó người nhiều tuổi nói:
- Có thể chị nói thật – Nhưng Maxkơva đang giờ thiết quân luật, chị ạ!
- Việc gấp quá - chị nói đầy thất vọng
- Vấn đề là như vậy – người chiến sĩ nhiều tuổi nói – Giá chị có nhiều thì giờ thì nhất định chúng tôi cũng vẫn giữ chị lại. Đúng thế! Nào Xiđôrốp – anh ta nói với người chiến sĩ thấp lùn – Hãy giữ chiếc xe kia lại
Anh chiến sĩ chặn chiếc xe du lịch lại. Người có tuổi kiểm tra giấy tờ của người lái xe, nói gì đó với anh ta rồi quay sang Elêna Pêtrốpna:
- Chị ngồi vào đây! Xiđôrốp đi với nữ công dân đến nhà ga. Để kiểm tra, - anh nói thêm và mỉm cười. – Và để chị khỏi bị giữ lại lần nữa.
Elêna Pêtrốpna nhanh nhẹn bước vào căn phòng xanh nhạt của nhà ga và lập tức chị thấy nghẹt thở. Chị tưởng như trái tim mình dừng lại. Nếu có thể, chị sẽ nhắm mắt lại, dựa vào tường đứng yên để lắng nghe một cái gì đang vang vọng từ xa xăm và rất mỏng manh có thể từ ngọn lửa chùm đèn nhà ga, có thể là ngay trong mạch máu thái dương chị.
Những con người mệt mỏi đang ngồi gục trên những ghế dài bằng gỗ. Ở chiếc ghế đằng xa có một sĩ quan gầy gò vẻ mặt nhọc mệt đang ngồi. Mắt trái anh cuốn lớp băng đen.
Elêna Pêtrốpna lại gần anh và nói:
- Thế đấy…
Người sĩ quan nhanh nhẹn đứng dậy:
- Thế đấy… - Elêna Pêtrốpna nhắc lại và mỉm cười – Mà anh đúng hệt như tôi nghĩ
Gian phòng như thụt xuống rồi quay tròn. Pêtrốp đỡ Elêna Pêtrốpna và đặt chị ngồi xuống chiếc ghế nơi anh chiến sĩ đang ngồi, bối rối kéo vội bọc quân trang để chị ngồi được thoải mái hơn.
Elêna Pêtrốpna nhìn gương mặt đầy lo lắng đáng yêu và hầu như hoàn toàn quen thuộc của Pêtrốp, khẽ hỏi:
- Anh có hiểu gì không?
- Không, - Pêtrốp trả lời. – Và có gì phải hiểu?
- Có lẽ đúng thế, không cần – Elêna Pêtrốpna đồng ý và thở dài. - Tội nghiệp anh, em đã làm anh sợ. Tay anh lạnh cóng thế này. - Chị cầm bàn tay Pêtrốp và sưởi ấm nó giữa hai lòng bàn tay mình.
- Cái này là về lâu dài. - Chị nói như chính với mình
Pêtrốp yên lặng. Trong giọng nói của Elêna Pêtrốpna có cả sự dịu dàng và sự lo âu như đêm tháng chạp. Trên sân ga, khi gió từ sa mạc thổi về làm bay tuyết khô, Pêtrốp yên lặng, nhưng anh tưởng rằng anh đã nói hết với Elêna Pêtrốpna.
… Thành phố Trung Á đón Pêtrốp với tuyết trắng và vừng mặt trời lồ lộ trên bầu trời xuân trong vắt. Tuyết phủ đầy trên các cành cây cổ thụ, trên hàng rào và cả đường dây điện thoại. Đường phố to rộng sáng chói như được xé ra từ những đống tuyết lấp lánh muôn vàn hình sao tuyết. Dãy núi Alatao tỏa sáng về thành phố qua lớp băng xanh lam tinh khiết. Đôi khi đất lở trên triền núi và bụi trắng bốc mù lên.
Những con la đủng đỉnh trên phố lắc lư đôi tai cứng lạnh. Nước óc ách trong các hố băng và những bông hoa đại cúc phủ đầy tuyết mịn, xòe nở trong các thửa vườn nhỏ như những bông hồng mùa đông khổng lồ.
Pêtrốp hít thở say sưa không khí mùa đông thậm chí làm anh choáng váng.
Pêtrốp ngạc nhiên nghĩ rằng thành phố này một năm trước đây tưởng chừng như ảm đạm và dữ dội, giờ đây ký ức thô cứng của anh lại hé ra trong quá khứ những ngày tươi sáng, bầu trời trong trẻo, mùi lá mục và vẻ yên tĩnh của những khu vườn cổ xưa. Trước đây anh không nhận ra điều đó. Vì sao? Có thể vì anh chỉ có một mình và nhìn tất cả chỉ có một mình. Vì bên anh không có bàn tay ấm áp, không có đôi mắt tươi cười và giọng nói trầm ấm.
Pêtrốp sống ở ngoài thành phố trong nhà an dưỡng giữa giá lạnh tuyệt vời của núi cao, nơi những ngôi sao tưởng chừng như đông lại về đêm và bọc quanh lớp băng sắc nhọn.
Anh sống trong nỗi hồi hộp lâng lâng không dứt. Sự hồi hộp càng tăng lên biến thành cảm giác của một niềm hạnh phúc hư ảo gần như không thể chịu đựng nổi, khi người ta mang đến cho anh một bức điện vỏn vẹn vài chữ: “Đón em, ngày hai mươi”
Sau bức điện tất cả chuyển động như một cơn lốc tuyết, làm lóa mắt, ngạt thở, biến thế giới thành chiếc cầu vồng trắng.
Sân ga ban đêm; giá rét đôi môi yêu quý run rấy, giọng nói của nàng, con đường về nhà nghỉ chạy len giữa rừng táo dại, tiếng thác đổ xuống những đám tuyết đầy bọt cùng cây rừng đổ nát.
Và vừng sáng xanh biếc của những vì sao mọc trên đỉnh núi nối đuôi nhau thành chuỗi dài vĩnh cửu lấp lánh. Cả không khí của sa mạc, của núi và mùa đông phả vào mặt họ ở chỗ ngoặt, khi họ dừng lại trong phút chốc để nhìn lên những dãy núi về đêm lấp lánh ánh sáng của những hạt tuyết rắn mờ mờ. Và những lời của Elêna Pêtrốpna nói ra khe khẽ, gần như với sự tuỵêt vọng:
- Điều này là lâu dài, lâu dài. Có thể là mãi mãi…
***
Tĩnh.
Và…
Lặng.
Trời không buông gió…
Thế thôi.
Thế thì thôi…, nghe với tớ bản nhạc này, xong rồi đi ngủ đi, nhé…
Đi ngủ đi…
Ngủ ngoan… Ngủ ngoan…
Cỏ-
Nước Nga… Khuya... Ngày 13 Tháng 8 Năm 2013
P/s: Có bức tranh cắt dán bằng băng dính này tớ thấy ngộ ngộ, thấy hay hay… nên đặt thêm vô đây để cho San ngắm luôn một thể
Xin được cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm.
Trân trọng
Nguyễn
Bình mình quê mẹ và Poll chúc Cỏ an lành!
"Ừ, được rồi. Để đó anh soát lại trên đàn xem xem có cần phải thay đổi gì không, xong rồi thì anh sẽ ghi nhé
-
Em đi [Am] ngày không buông nắng
Mây bay [Dm] về cuối phương trời [Am]
Em đi [Em] hàng cây im gió [Dm]
Tôi về [Em] với mình tôi thôi [Am]
...
Với lại cũng đang muốn chèn thêm cỡ mấy câu nữa vô sau cái điệp khúc (chứ cứ cảm giác nó ngắn ngắn làm sao í, huhu...), nhưng mà... bất lực, khó quá khó ơi là khó, huhu...
P/s: Mà San nầy, như vầy tính ra là Cỏ đã "mắc nợ" San tới 2 bản lận, nhỉ? Thôi để đó xong cái vụ "mắt mũi" này rồi Cỏ sẽ ghi và sẽ gửi, nha San
......................................
Slow - Tha thiết
---
Em đi/ ngày không buông nắng
Mây bay/ về cuối phương trời
Em đi/ hàng cây im gió
Tôi về/ với mình tôi thôi
.
Nghe mưa/ chiều nay trên phố
Hoang vu/ từng phím ru mòn
Em bây/ giờ xa vạn lý
Tôi ngồi/ đếm buồn trong tôi
.
Hà ơi… Hà ơi… Chiều nay mưa… Chiều nay mưa
Em đi… Em đi… Đường xa chưa…
Em đi… Em đi… Đường xa mưa…
Đường xa một bóng em trên đường
Tôi xin làm người yêu trìu mến
Đưa em qua ngày bơ vơ
.
Em đi/ và tôi nhung nhớ
Chênh chao/ lòng vắng không ngờ
Môi xưa/ đừng phai em nhé
Để tôi/…
còn mơ tiếng cười.
---
Cỏ
Bắt đầu từ ngày mai, Cỏ có lẽ là sẽ vắng...
-
MÙA THU XA XĂM...
.
Rồi anh sẽ ngồi lại với mùa thu
Bên ngã vắng nghe phù du lá đổ
Hoa cúc trắng dịu dàng như nỗi nhớ
Xanh xưa một thuở sương mù...
.
Rồi anh sẽ ngồi lại với mùa thu
Gom hết nắng cho mồ côi tuổi gió
Cho ngơ ngác những cánh diều
cô độc dòng sông không trí nhớ
lặng lẽ trôi về bên phía
đìu hiu
Lòng sao buồn cô liêu...
.
Mùa thu của anh xưa bây giờ em ở đâu?
Mây trắng chân trời viễn xứ
Anh lang thang độc thoại hải hồ
Nhớ hoài một buổi chiều nắng tắt
Thảm cỏ ngời trên trang sách
Thảo nguyên xanh và những bầy cừu
Chú bé mục đồng nằm đếm những vì sao...
Người em gái nhỏ mắt nâu
Tóc đã điểm màu.
.
Về thôi...
Ánh tà dương đã khuất mờ sau dãy núi xa
Tiếng chuông nhà thờ còn vang vọng mãi
lời tiễn biệt
Những niềm đau không tên
Mùa thu không em
.
Ôi mùa thu xa xăm...
-
Cỏ
“…mỏng nắng, dịu mây, se se gió chạm vào da thịt” rồi, San ạ, y như là những dòng văn San đã viết vào một năm nào khi mùa thu khẽ khàng về trên đất Đức vậy…."
Mấy chữ đó là San viết lúc mùa xuân cơ, chứ chẳng phải... thu
Lẩn thẩn là lẩn thẩn ơi
Sao anh lại... lẫn cả em, hở giời?
Lẩn thẩn là lẩn thẩn ời
Lẫn gì thì lẫn xin đừng có lẫn "nhời" của em
Thui, nay ý tứ tí, kg có TEM, để San TEM.