Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Dòng sông tuổi nhỏ...

Dòng sông tuổi nhỏ... 
16:56 5 thg 8 2012 Lời bình 3 Nguồn trích 0 609 Lượt xem Công khai

Sưu Tầm:

Kẻ hậu sinh- có Thân phụ mồ côi từ tấm bé..., có lẽ cũng đã từng có lần bỏ lại phía sau lưng một “Dòng sông tuổi nhỏ” hiền hòa và đầy ắp những kỷ niệm ấu thơ như thế... cũng ở nơi một miền quê nghèo khó nhiều nắng nhiều gió của dải đất miền Trung..., lớn lên phiêu bạt rồi cầm súng và mặc áo chiến trận buồn vui đời lính- đọc câu chuyện này với niềm xúc động không thể che giấu, cho nên xin được mạn phép đưa về đây sau khi đã lược bỏ đi một vài câu, và một vài từ nhạy cảm... vốn dĩ có thể dễ gây sự hiểu lầm vô ích, và không cần thiết... Xin được thứ lỗi! Cỏ-

Dòng sông tuổi nhỏ...
 
Tiếng thằng Nỷ la oang oang trước sân nhà ông bà ngoại tôi, trong cơn nắng chang chang của trưa hè:
- Hùng ơi! Nước sông ở cửa lăng bây giờ đang xuống cạn lắm, đi ra lẹ lên, nếu không nước hết ròng chảy mạnh tắm không được đó. Tắm xong mình còn lên phá ông Than cụt nữa.
Tôi đang ở trần với cái quần đùi nghe vậy liền phóng vội ra khỏi nhà.
Ngoài sân nhà đám bạn phá xóm, phá làng đã tụ họp đầy đủ. Thằng phá nhất là thằng Nỷ, kế đến là thằng Tỏ, và thằng sau cùng là thằng Theo, vài ba thằng theo đóm ăn tàn như thằng Châu lé và thằng Đờn cũng đã có mặt...

Tôi ở lại quê ngoại để học xong năm cuối cùng của bậc tiểu học. Vì công việc làm ăn ba má tôi về lại Nha Trang, để tôi ở lại sống với ông bà ngoại. Ở đây tôi đã có những tháng ngày tự do nghịch phá với những thằng bạn thời thơ ấu và sự thương yêu, cưng chiều của ông bà ngoại. Như bao làng quê ở miền Trung, quê ngoại tôi nghèo rất nghèo như câu nói ví von “đất cày lên sỏi đá”. Cũng chính ở trên cái miền đất khô cằn sỏi đá, cái làng nhỏ này là phần đời ăm ắp những kỷ niệm yêu dấu khó quên trong tôi. Làng Quảng Hội, Vạn Giả nghèo nàn xanh ngợp bóng dừa trong nắng hè gió nồm vi vu thổi. Tuổi thơ tôi là những sớm mai ngồi đợi thuyền của các ông cậu đi lưới cá về len vào nhặt những con “cua hét”, con “bàn chải” rồi cùng lũ bạn xúm lại nướng hoặc luộc ăn ngay trên cồn biển. Những củ khoai lang vùi dưới lửa rạ khi chín thơm lừng cả một khoảnh bếp trong ngôi nhà tranh của ông bà ngoại. Mùa đông ở đây quạnh hiu và buồn tẻ. Những bữa cơm chiều đạm bạc nhưng ấm cúng với ông bà ngoại bên những con cá lép toàn xương dầm nước mắm me. Những hình ảnh ấy còn theo tôi mãi về sau.
Tôi đã học những năm tiểu học của thời thơ ấu bên những rặng dừa bạt ngàn, trong tiếng sáo diều vi vu ở đình làng ven biển, với những trò chơi cùng lũ bạn ngổ ngáo trong làng...

… Buổi tối ở khu chợ Cai Lậy ồn ào và bụi bậm. Những quán xá lụp xụp đầy những bộ quân phục rằn ri. Chợ Cai Lậy vào những ngày cuối năm 1969. Tôi như trộn lẫn vào trong cái ồn ào của đám đông ấy. Khi đi ngang qua một quán nhỏ trong chợ, một tiếng gọi vang lên, trong một giây tôi như không tin vào cả chính tai mình:
“Mày đó phải không Hùng?” Làm sao mà tôi quên được tiếng gọi quen thuộc thường rủ tôi đi tắm sông vào những trưa hè. Sau đó một tên rằn ri TĐ6 đứng trước mặt tôi. Phải mất vài giây tôi mới nhận ra nó. Thằng Nỷ, không sai, đúng là nó.
Tôi ngạc nhiên hỏi một câu thật ngớ ngẩn.
- Đ.M. mày cũng đi TQLC nữa à?
- Mày hỏi ngu thấy mẹ. Nó làu bàu và kéo tay tôi lôi vô quán.
Trong quán còn có thêm ba thằng bạn cũng TĐ6 của nó. Không biết tụi nó đã ngồi đó từ bao giờ, trên bàn ngổn ngang những vỏ chai bia. Khuôn mặt nào cũng đỏ rừ, hơi thở bốc đầy mùi rượu.
Một thằng bạn của nó hất hàm hỏi tôi:
- Ê thằng PB này đi đâu mà lạng quạng dô đây dzậy? Ngồi xuống thì phải dzô đi chứ?
- Thằng Tr/s PB này có biết uống rượu không hả?
Lại một tên bạn của hắn lên tiếng xen vào.
- Im mẹ cái miệng mày đi.
Thằng Nỷ càu nhàu:
- Say rồi hay sao mà ngồi đó sủa hả mấy ông nội? Để thằng Hùng uống xong tao còn hỏi thăm chuyện làng nước của tao coi. Lâu quá rồi tụi tao mới gặp.
Tôi uống vội ly bia, thế là Nỷ bắt đầu hỏi lung tung đủ chuyện. Giọng nó sôi nổi, nhưng khi nghe tôi hỏi sao vô TQLC...Giọng nó trở nên buồn bã. Im lặng một lúc, nó nói:
- Như mầy biết, tao sống với bà nội tao từ nhỏ. Ba má tao còn sống hay chết tao đâu có biết. Sau khi hết học ở trường làng mầy vô Nha Trang học tiếp, còn cả bọn tao thì phải nghỉ học vì làng mình chỉ có tới lớp nhất là hết. Tao phải đi biển giúp đỡ bà nội tao. Lớn rồi đâu còn lang thang phá phách như lúc nhỏ, tao phải kiếm sống nữa chớ. Vài năm sau bà nội tao chết, tao đâu còn ai. Tới tuổi đi lính, Tao, thằng Tỏ và thằng Theo vào TQLC sau Tết Mậu Thân. Thằng Đờn và thằng Châu lé thì lên núi Hóc Chim hay Đá Bàn gì đó theo du kích. Tao thật là không hiểu nổi, lúc còn nhỏ thì chung một đám vui đùa phá phách. Bây giờ như vầy, tao nghĩ nếu có ngày tụi mình gặp lại tụi nó mà phải giết nhau thì thật là buồn lắm…
Nhìn những sợi gân máu trong đôi mắt đục ngầu và đỏ choạch vì rượu của nó, tôi như thấy lại dòng sông tuổi nhỏ của quê ngoại ngày nào…

Tiếng thằng Tỏ oang oang:

- Tao phải cởi truồng để tắm, nếu không dìa nhà má tao biết tao đi tắm sông, bả sẽ đánh nứt đít tao luôn. Bả còn nói buổi trưa lúc mặt trời đứng bóng là không được tắm ngoài sông ở cửa lăng, nếu không sẽ bị ma da kéo chân đó.
Mặc cho thằng Tỏ nói gì thì nói, cả đám nhãi con tuột hết áo quần rồi đùng đùng phóng xuống mặt sông làm bắn tung tóe nước và ồn ào cả một dòng sông trong buổi trưa hè yên lặng.
Thằng Tỏ là thằng rời bờ sông trước tiên. Nó lên bờ xỏ lẹ cái quần đùi vào rồi chậm rãi bước về phía lều của lão Than cụt. Đến nơi, nó rón rén nhìn qua những lổ hổng rách của cái lều xem lão đã ngủ say chưa trước khi ngoắt tay báo hiệu cho cả đám leo lên cây hái những trái bàng chín xuống ăn….Lão Than cụt, một người không vợ, không con được cả đám con nít trong làng biết đến như một nhân vật huyền bí. Không biết lão cụt cánh tay trái lúc nào và tại sao. Chỉ nghe người lớn trong làng kể rằng ngày xưa lão đã từng theo Việt Minh gì đó lên núi và bị Tây bắn cụt tay. Sau khi trở về làng không biết vì thất chí hay chuyện gì đó lão cứ uống rượu say sưa tối ngày, đi lang thang khắp làng với cái đuôi con nít hò hét theo sau…

Rời chiếc xe lam ở Tam Hà, Thủ Đức... Tôi đã thấy thằng Tỏ và hai tên bạn cùng TĐ2 của hắn đón tôi và kéo vô cái quán gần đó. Tôi nói:
- Nghe TĐ2 của mày vừa về hậu cứ từ Chương Thiện nên tao lên thăm mày chứ sợ sẽ khó có dịp.
Nó nhăn mặt:

- Mày nói như cứt. Làm như tụi mình sắp chết tới nơi rồi. Quên mẹ mọi chuyện đi, kiếm cái gì uống rồi hẳn hay.
Lại thêm một thằng bạn lớn lên từ dòng sông tuổi nhỏ. Đã lâu không tin tức, bây giờ gặp lại nơi đây, quán nhỏ bên đường mà cứ ngỡ như giấc mơ.
- Đã lâu rồi mày có về làng không Hùng?
Tôi trả lời không, và hỏi lại hắn:
- Còn mày thì sao?
Nó nói:
- Hành quân liên miên, về hậu cứ thì cứ theo mấy thằng bạn thổ tả này uống say mèm. Nhiều lúc nhớ quê, nhớ xóm làng cũng muốn về nhưng nghĩ lại chẳng còn ai nên thôi.
Nó hỏi tiếp:
- Mày có gặp thằng Theo không? Nó ở TĐ3 đó. Tao, nó và thằng Nỷ từ ngày rời quân trường Rừng Cấm, ba thằng đi ba TĐ khác nhau chưa bao giờ gặp lại!! Nghe nói nó bị thương nhẹ ở U-Minh lúc ra khỏi bệnh viện nó có lên trại Yết Kiêu kiếm mày và lên Tam Hà kiếm tao nhưng không gặp thằng nào. Mang tiếng cùng ở TQLC mà sao gặp nhau khó quá…
Buổi chiều xuống dần. Tôi cũng đã bắt đầu thấm rượu. Tôi nói:

- Thôi tao về. Nếu còn sống tao sẽ kiếm mày.
Thằng Tỏ cũng đã say, nó lầm bầm trong miệng:
- Ừ, tụi mình sẽ sống mà. Có ngày tao, mày, thằng Nỷ, và thằng Theo cùng nhau về dòng sông cũ, tắm sông và lượm trái bàng chín như ngày xưa tụi mình còn nhỏ nghe Hùng.

Và đó là lần cuối cùng tôi gặp thằng Tỏ. Ngày buồn thảm của cuối tháng 3/1971 cả LĐ147 đã triệt thoái từ căn cứ Đống Đa, Hạ Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719. Nó đã đến và ở lại nơi ấy. Giấc mộng đời không còn bao giờ thức dậy. Nó đã đi đến thiên đường một mình với tốc độ chóng mặt. Nó đã quên mất lời ước hẹn cùng tôi trở về thăm lại dòng sông tuổi nhỏ ngày nào. Quay nhìn lại lần cuối căn cứ Đống Đa rực lửa. Biết bao nhiêu Trâu Điên đã ở lại, trong đó có mày đó Tỏ. Tao sẽ mãi mãi nhớ mày. Hãy ngủ yên cùng với các bạn bè của mày nhé. Mày bây giờ đã thảnh thơi hơn tụi tao. Tao nhớ mày vẫn thường khoe là thằng Nỷ, thằng Theo, khoái Trâu Điên mà không về được. Rốt cuộc mày lại dành đi trước tụi tao. Bây giờ nơi chốn hư vô ấy không còn cấm trại, không còn cần giấy phép hay phải trốn trại nữa. Mày về dòng sông xưa được rồi, nhưng tao chắc là mày không vui đâu vì nơi đó không có tụi tao mà...

- Ê! Có nhiều trái bàng chín quá tụi bay ơi. Lão Than cụt vẫn còn ngủ say như chết. Thằng Nỷ nói...

- Tụi mình bắt thêm mấy con còng gió bỏ vô mền lão Than cụt nhe...
Thằng Nỷ lúc nào cũng là thằng có những sáng kiến qủy quái để chọc phá. Thế là cả đám nhóc nhao nhao đồng ý. Cuối cùng tụi nhóc cũng bắt được một con còng gió và một con nha (nha là một loại còng nhỏ có cái càng màu xanh).
Thằng Theo nói:

- Tao nhỏ con nhất và chạy lẹ nhất, để tao vô bỏ nó trong chăn của ổng cho.
Cả bọn rình ở ngoài lều, còn thằng Theo thì lẻn vào trong. Thời gian chừng một phút mà cả bọn nghe như thật lâu. Bóng thằng Theo chạy vụt ra khõi lều như tên bắn thế là cả bọn ùn ùn phóng theo. Sau lưng bọn tôi còn nghe lồng lộng tiếng thét và tiếng chửi thề vang dội của lão Than cụt…
 
… Xuống dưới trảng tranh cùng với TĐ2/Trâu Điên, tôi gặp lại các anh em thuộc BCH/PB2. Tôi nhập bọn lại cùng họ, sau một đêm nương theo ánh hỏa châu của TĐ3/PB chỉ đường cho cuộc triệt thoái từ căn cứ Đống Đa. Tại nơi đây các Sói Biển đang chờ và giữ cái trảng tranh cho trực thăng bốc LĐ147 về Khe Sanh. Trong nỗi tận cùng của mệt mỏi và đau thương, tôi gặp lại thằng Theo trong sự bất ngờ không tưởng. Đại đội nó đang giữ cho chúng tôi rút. Nó vẫn nhanh nhẹn, và liếng thoắng như ngày nào. Gặp tôi, nó nhào tới ôm chặt lấy tôi, làm như sợ tôi chạy mất và câu đầu tiên nó hỏi tôi là:
“Hùng, thằng Tỏ có thoát không?

Tôi buồn bã lắc đầu trả lời nó mà như muốn khóc:
“Tao nghĩ là không. Buổi sáng trước khi rút, tao có gặp một thằng ở trung đội nó cho biết trên đường rút về LĐ nó bị thương khá nặng, thì không cách nào thoát được”
Không ngờ chỉ nghe có chừng ấy mà thằng Theo đã có thể bật khóc như trẻ thơ trong hoàn cảnh thế này, giữa núi rừng trùng điệp của Hạ Lào.
- Mẹ nó cái thằng Tỏ này. Trong đám là nó gan lì và thương tao nhất mà nó lại đi cái chó gì sớm vậy.
Trong ràn rụa nước mắt, nó lảm nhảm:
- ĐM, sao lại như thế? Từ ngày rời Rừng Cấm tới giờ tao chưa gặp lại thằng nào. Bây giờ vừa gặp lại mày, thì lại một thằng ra đi vĩnh viễn. Mày không biết, lúc còn ở Rừng Cấm, nó là thằng vì tao mà bị phạt nhiều lần. Nó đánh lộn tùm lum để bảo vệ tao. Tao nhỏ con nên thường bị mấy thằng trong đại đội khóa sinh ăn hiếp. Khi ra trường, nó về Trâu Điên còn tao về Sói Biển. Nó cứ theo chọc tao. Nó nói mầy ốm như con đỉa, đánh nhau đạn khó trúng mày. Vậy thì về TĐ Đỉa đói là phải rồi.
Theo ơi! Tao thương mày và thương cả chính tao. Mày còn khóc được là niềm tin, và hạnh phúc còn trong mày đó. Với tao, niềm tin và sự sống cho ngày mai, để đợi ngày hòa bình cho cái đất nước khốn khổ này đã không còn nữa. Nó đã thui chột theo tháng ngày qua. Mày có biết không, có những lần cái chết nó gần đến nỗi tao còn nghĩ rằng nó là nhân tình chung thủy không rời. Lúc nào cũng cận kề với những thằng lính như tụi mình và lúc nào cũng sẵn sàng mở vòng tay chào đón bọn mình. Sự sống chỉ là một thứ không tưởng. Nó là một thứ ân sủng bố thí của thượng đế. Thôi thì tao, mày cũng nên mừng cho thằng Tỏ, cuối cùng thì nó cũng đã kết hôn với con nhân tình dễ ghét này, sau bao năm chung thủy đồng hành với nó.

Thằng Theo đưa bình đông nước cho tôi uống. Tôi tưởng như trong nước có vị mặn của nước mắt nó và mùi máu tanh của thằng Tỏ. Tiếng trực thăng đáp xuống trảng tranh. Tôi cùng BCH/TĐ2/PB rời bãi bốc lên cao xa tít. Tôi còn nhìn thấy bàn tay thằng Theo vẫy theo, và bóng nó nhỏ dần lẫn vào đám tranh vàng uá…


Thằng Theo nói với tôi:

- Sáng sớm mai, tao, mày, thằng Nỷ và thằng Tỏ, lên đám ruộng khô cuả ông Cần trên ga Trung Dõng. Tao biết một chỗ có nhiều dế lắm. Sáng hôm qua tao lên rẫy với ông bác, sáng sớm tao nghe nó gáy dữ dội. Nhớ đừng cho thằng Đờn và thằng Châu lé biết. Chỉ bốn đứa mình đi thôi. Chuyến này cho tụi nó biết tay. Thằng Đờn có con dế than chiến quá, bốn đứa mình chưa có đứa nào thắng nó tức thật.
Thằng Tỏ mỉa mai:
- Mày tử tế ghê hén. Mày nhỏ nhứt trong đám tụi tao, mà lẹ như ma. Thường thì mày trốn đi một mình chứ sức mấy mà mày có lòng tốt gọi ba thằng tao.
Thằng Nỷ xen vào:
- Sáng tờ mờ nó hổng dám đi một mình đâu. Tại nó sợ đi ngang qua mả ông Cơ, ma ra nhát nó nên mới kéo theo tụi mình chứ tử tế gì.

Thằng Theo bẽn lẽn chống chế:
- Làm gì có chuyện đó. Chẳng qua là vì tao khoái đi chung với tụi mày đó mà.

Sáng hôm sau, sau khi rời thửa ruộng khô cuả ông Cần. Đám nhóc bốn đứa men theo con đường đất nhỏ đi lên đường rầy xe lửa ở ga Trung Dõng thì trời đã trưa. Thằng Nỷ giơ cái lon sửa bò rỉ sét ra khoe:
- Tao bắt được ba con dế. Con cồ lữa là chiến nhứt. Chắc chắn tao sẽ không thua cho con cồ than của thằng Đờn. Kỳ này cho nó hết làm hách. Tụi bay biết mà “dế lửa chắc gan, dế than mạnh húc”, con của thằng Đờn chỉ mạnh húc thôi. Tụi bay có con nào “chiến” hông?
Tôi nói:
-Tao được hai con, còn thằng Theo và thằng Tỏ mỗi đứa chỉ có một con, nhưng không có con nào “chiến hết”.

Thằng Theo tiếp lời:
- Tụi mình lên đường rầy ngồi nghỉ một lát rồi tao dắt lên rẫy ông Cần kế bên rẫy bác tao hái trộm bắp nướng ăn. Ghé rẫy bác tao, tụi bay nhớ nhắc tao lấy cái cuốc chim để sau đó chôn mấy cái cùi và vỏ bắp, chứ ổng mà biết méc lại bác tao thì tao nhừ đòn.

Cả đám đi dọc theo đường rầy để lên rẫy. Chợt thằng Tỏ hỏi:
- Tụi bây có biết cái đường rầy này chạy miết tới đâu hông?

Thằng Theo làm như giỏi lắm nói ngay:
- Một ngả chạy tuốt dzô Sài Gòn, còn một ngả chạy miết ra Huế đó

Thằng Tỏ nói với giọng chắc nịch:
- Mai mốt lớn lên tao sẽ đi tận Sài Gòn, rồi sẽ ra tuốt ngoài Huế.

Thằng Nỷ xen vào:
- Xì! Mày làm gì có tiền đi xe lửa. Năm ngoái tao theo bà nội tao đi Tuy Hòa. Mèn ơi! Ngồi xe lửa thiệt là đã. Nó chạy chun qua cái hầm tối hù, rồi băng qua cái cầu dài thật dài mới tới Tuy Hòa đó. Bà tao nói là phải trả nhiều tiền lắm…

Tỏ ơi! Bây giờ thì tụi mình đã đi quá xa. Xa hơn cả những gì mày đã nói trong trưa hè thuở xưa. Như vậy là mày đã mãn nguyện rồi chứ gì?! Tụi mình đã đi khắp cùng đất nước từ Năm Căn, Cà Mau ra tận Gio Linh, Đông Hà, Quảng Trị. Không phải tụi mình đi bằng chiếc xe lửa hiền hòa lăn mình nhả khói trắng hai bên đường của ngày xưa cũ khi đám nhóc bốn thằng mình dõi mắt trông theo mà ước mơ đến những chân trời xa lạ. Mà tụi mình đã đi bằng hình hài của những thằng lính, đi trong lằn ranh sống chết, đi trong nỗi nghiệt ngã oan khiên của một đất nước điêu tàn, đau khổ triền miên trong hận thù chiến tranh. Bây giờ mày lại còn đi xa hơn nữa để rồi nằm lại mãi mãi trên núi rừng chập chùng của xứ Lào xa lạ chứ không phải là quê hương của tụi mình. Ôi! Mày sẽ buồn và nhớ tụi tao biết bao nhiêu, phải không Tỏ?
Tỏ ơi! Mày có biết rằng đã nhiều lần trong cơn say, tao đã mơ thấy bốn thằng nhóc mình ngồi trên chuyến xe lửa ngày xưa. Miệng reo vui, cả đám tụi mình thò đầu ra ngoài cửa toa tầu ngửi mùi biển mặn khi tầu ngang qua biển Đại Lãnh, rồi ngửi mùi thơm mạ non của những thửa ruộng khi tầu lướt ngang qua ga Hảo Sơn. Rồi cứ thế chiếc xe lửa hiền hòa ngày ấy băng qua sông Đà… Niềm ước mơ thời tuổi nhỏ thật an bình và giản dị, nhưng cả cuộc đời tụi mình vẫn là ước cùng mơ mãi kiếm tìm…

… Buổi chiều còn vương chút nắng trên đồi nơi Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh trú đóng ở Phong Điền, Mỹ Chánh. Từng toán quân của Tiểu Đoàn 8 di chuyển ngang LĐ1KB để đi về phía núi. Tôi đang chơi bóng chuyền cùng đám bạn thiết giáp. Bỗng trong toán quân di chuyển, tôi nhìn ra thằng Nỷ. Chắc nó cũng đang ngạc nhiên không biết vì sao lại có tên TQLC ở trong đám thiết giáp nên đưa mắt nhìn, và cũng lại giọng nói quen thuộc ngày xa xưa cũ:
- ĐM, mày đó hả Hùng?
Thằng Nỷ rời toán quân đang di chuyển để chạy về phía tôi. Hai thằng ôm choàng lấy nhau. Một thoáng từ lúc gặp nó ở chợ Cai Lậy cuối năm 1969 đến nay là 1974, đã gần năm năm rồi còn gì.
Lúc này trông nó già dặn và vững chải ra với cái lon TS1 ngụy trang trên cổ áo. Tôi cười nói đùa:
- Nhanh thế đã TS1 rồi à?
Nó cười và nói có chút hãnh diện:
- Tao rời TĐ6 và đi học HSQ đặc biệt năm 1971 rồi sang TĐ8 này bây giờ là Tr/đội phó.
- Thế là gặp mày tao phải chào rồi. Tao vẫn còn Tr/s đấy.
Tôi đùa và bảo:
- Đã nói là số tao không có duyên với nhà binh mà.
Nó hỏi tôi:
- Mày có biết là thằng Tỏ đã chết ở Hạ Lào không?
Tôi trả lời:
- Ừ tao biết, còn thằng Theo thì tao có gặp một lần cũng ở Hạ Lào.
Nghe nói sau đó bị thương nặng lúc đánh Cổ Thành nên đã giải ngũ. Nó quen con nhỏ nào ở Long An rồi ở luôn đó không về làng cũ nữa đâu.
Thằng Nỷ chép miệng:
- Vậy bây giờ chỉ còn tao với mầy thôi, nhưng cũng khó gặp nhau há?
Tôi nói:
- Thì chiến tranh rồi cũng có ngày phải chấm dứt.
Giọng thằng Nỷ nhỏ lại:
- Ừ phải chấm dứt. Tao sẽ về cưới vợ. Tao có thương con nhỏ ở Cần Thơ, kỳ tới có phép thường niên tao sẽ về cưới nó. Tao bây giờ không còn ai. Không họ hàng, bà con, chỉ có mày. Nếu ngày cưới mà có mày thì vui hết biết hả Hùng. Rồi vợ chồng tao và mày sẽ về thăm dòng sông Mỹ Quảng nghe!
- TS anh em đang đợi. T/U nói lẹ lên để vô thế cho thằng 4 ra kẻo quá tối. Một người lính Ó-Biển đến hối hắn.
Nó muốn nói với tôi thêm điều gì đó nhưng lại chần chừ rồi quay đi. Tôi nói vói theo:
- Cẩn thận nghe, nhớ giữ lại cái mạng cùi của mầy để về lấy vợ và thăm làng nghe.
Đã đi xa rồi mà hắn còn cố quay lại nhoẻn miệng cười nói to cho tôi nghe:
- Tao hứa, tao sẽ sống về lấy vợ mà!


Đó là lần sau cùng tôi gặp laị thằng Nỷ. Sau những biến chuyển dồn dập xảy ra cho đất nước, tôi đã bỏ xứ ra đi. Nhiều năm trên xứ người, hình ảnh thằng bạn thời tuổi nhỏ, lẫn theo cánh quân Tiểu Đoàn 8 mờ dần theo rặng núi xa bên đồi thiết kỵ với niềm ước mơ những ngày phép về cưới vợ, và dắt vợ về thăm ngôi làng nghèo khổ ven biển, ngôi làng với dòng sông thời tuổi dại. Trong tôi vẫn còn thoáng nghe những tiếng cười hồn nhiên của các thằng bạn thời tuổi nhỏ. Nó không bao giờ mờ phai trong ký ức tôi.
Đã lâu thật lâu. Chiến tranh rồi hòa bình, tôi vẫn chưa một lần quay về làng cũ. Kỷ niệm đã thăng hoa. Ngày tháng thì nhạt nhòa. Nhưng trong ký ức tôi, dòng sông tuổi thơ lúc nào cũng còn đó. Nước hiền hòa lúc nào cũng chảy một giòng thôi.

Cần Thơ Ngày… Tháng… Năm…
Hùng thân,
Khi mày đọc được những dòng chữ tao viết, thì chúng mình đều đã già, đã nhiều năm dài trôi qua.
Tao đã giữ tròn lời hứa với mày. Tao đã sống sót trong trận đánh cuối cùng. Tao bị thương nặng và để lại Long Thành một chiếc chân trái. Thôi cứ coi như là kỷ niệm… Và
сuối cùng thì tao cũng lết về được Cần Thơ. Người con gái hiền hòa của xứ này đã không chê và chấp nhận tao. Cũng nói thêm cho mày mừng tao đã có được hai cháu. Chúng nó đã lập gia đình và tao cũng chưa một lần dắt vợ tao về lại dòng sông tuổi nhỏ của tụi mình.

Vì có còn gì nơi ấy...
Có còn gì như thuở ngày xưa...
Báo cho mày biết thằng Theo ở Long An cũng đã chết cách đây vài năm sau cơn bạo bệnh. Tao có về gặp nó, trước khi ra đi nó vẫn còn nhắc đến mày và thằng Tỏ. Bây giờ nó đã gặp thằng Tỏ rồi.
Bên trời xa xôi này tao vẫn cầu mong gia đình mày an bình và hạnh phúc. Hãy kể cho vợ con mày nghe về những ngày xưa của tụi mình như thoáng kỷ niệm còn một chút gì để nhớ để thương.
Tao gửi cho mày chút nắng vàng quê nhà vì tao biết bên mày mùa đông chắc lạnh lắm. Mong mày lúc nào cũng nhớ về những ngày xưa thân ái. Với giòng sông yên bình đã cho chúng mình biết bao kỷ niệm ấu thơ. Cuộc đời nghiệt ngã có thể lấy đi mọi thứ từ tao, từ mày, Nhưng những kỷ niệm thân thương thì lúc nào cũng còn đó trong ngăn tim của chúng ta để đôi khi “tuổi sáu muơi mà ngỡ như trẻ thơ” như lời bài hát nào đó.
Đừng thư lại cho tao. Đừng về tìm tao những điều đó không cần thiết, vì tụi mình vẫn mãi mãi còn có giòng sông thời tuổi nhỏ trong tim để nhớ về nhau kia mà.
Bạn mày,
Nỷ


Nguyễn Đức Hùng
Thu 2011


-----------------------------------------------------------------------------


Mười Hai Tháng Anh Đi
Phạm Văn Bình

Tháng Giêng xuôi quân ra Huế
Cố Đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều, em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang
Tháng Hai về trấn ven đô
Chong mắt hỏa châu, giữ cầu
Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
Qua làn sương ánh đèn mầu ...

Ba lô lên vai tới miền Tây Đô
Quê hương em xanh, xanh ngợp bóng dừa
Đêm ngủ bìa rừng, thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng, này lúc sang mùa
Bây giờ trời mây vào Hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ
Trên đường sớm nắng chiều mưa.

Tháng Năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường
Ngày xưa những tờ lưu bút
Bây giờ phong thư gói quà
Tháng Sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em
Đừng khóc, ve sầu mùa Hạ
Xa thì xa, vẫn chưa quên.

Sang Thu mưa Ngâu, nước mù bay mau
Ô hay sao ta trong lòng rưng sầu?
Tráng sĩ xưa hề vượt cầu sông ấy
Người đứng đầu sông, người cuối sông này!
Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trời thơ ấu
Ai làm tháng Tám cằn khô
Tháng Chín ta về Cửu Long
Vú sữa căng của mẹ hiền…
Về Cà Mau ...
Một phong thư
Gửi cho em
Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng
Lời ta chờ nhau!

Cuối năm, mùa Đông đan áo
Cuối năm trời đã lạnh rồi
Thiên hạ thì may áo cưới
Ta thì hẹn tới năm sau.
Hoa mai nở đầy
Em đang chờ đợi
Mười hai tháng rồi
Dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng
Nhớ môi em ngọt
Anh về cùng em,
Vui đón giao thừa.


-------------------------------------------------------------


Đất Nước đàn bầu 

Lưu Quang Vũ


Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại.

Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
Những rễ cây quằn quại
Những ngà voi nhọn hoắt
Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

Buổi sáng tôi ra vườn
Hoa móng rồng thơm ngát
Lá xương xông mọc quanh vại nước
Dây trầu không quấn quít hàng cau
Đất rụng vàng hoa ngâu
Nước mưa rơi tí tách
Tôi lắng nghe như chú dế mèn con
Đi ra đồng cỏ ban đêm
Quạ đen đậu ngôi mộ cổ
Những con bướm đêm đập cánh thầm thì
Tôi trở về ngồi trong lòng bà
Bà kể chuyện thời con gái
Trốn nhà theo anh trai phường vải
Gánh hát chèo tỉnh Đông
Điệu hát con gà rừng
Cô Xuý Vân giả dại
Cô Xuý Vân không chịu sống yên
Điệu hát chập chờn
Con gà rừng mê sảng
Cô Xuý Vân nổi loạn
Đốt cháy tâm hồn tôi.

Anh con trai phường vải không về
Sông Cầu xa thăm thẳm
Vạt áo tứ thân lau nước mắt
Bà hát tôi nghe những điệu buồn
Đưa tôi về làng quan họ
Nhịp cầu ván ghép rung rinh
Chẻ tre đan nón ba tầm
Đội lên quán dốc
Ngồi gốc cây đa
Thấy cô bán rượu
Ống quần cỏ may
Đồng đất thì dài
Đêm hội làng ngắn quá
Từ giã bạn ra về
Mưa bay mù mịt cả
Lòng nửa thương bên nọ
Nửa sầu bên kia
Nỗi cay cực ngàn xưa
Tôi mang suốt đời không nguôi được
Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
Những người chết đặc trong lòng đất
Những mặt vàng sốt rét
Những bộ xương đói khát vật vờ đi
Vó ngựa lao dồn dập
Giặc phương Bắc kéo về
Vung gươm dài đẫm máu
Bao đền đài bị đốt thành than
Bao cuốn sách bị quăng vào lửa
Bao đầu người bêu trên cọc gỗ
Con trai chinh chiến liên miên
Con gái mong chồng, hóa đá
Mỵ Châu chết không sao hiểu được
Vì đâu Trọng Thủy hóa quân thù?

Gió mùa thu
Tiếng đàn bầu nức nở
Chiều chiều ra ngõ
Sông dài cá lội biệt tăm
Thương cha nhớ mẹ
Mênh mông chớp bể mưa nguồn
Cái nỗi buồn dân tộc
Cái nỗi buồn bị đoạ đày lăng nhục
Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang
Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than
Đập đá sườn non, đi phu đi ở
Mà mỗi tháng giêng, hoa gạo nở
Vẫn sênh tiền gõ nhịp
Giải yếm sau lưng cũng tím hoa cà
Cháu lên Kẻ Chợ cùng bà
Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ
Những lò rèn phập phù bễ lửa
Phường chạm bạc, phường đúc đồng
Phố Hàng Hài thêu những chiếc hài cong.
Những cô gái dệt the và phất quạt
Những hàng Điếu hàng Buồm hàng Bát
Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ
Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ
Phố Tràng Thi ngựa hí
Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ
Giấy hồng điều phấp phới bút hoa
Bao gương mặt ngày xưa
Bây giờ ai nhớ nữa?
Trên tranh khắc trên ngàn pho tượng cổ
Còn nóng rực tay người trong gỗ đá
Lung linh chim múa hoa cười.

Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi
Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa
Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ
Những Đông bộ đầu, Chương Dương độ, Hàm tử quan
Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước
“Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”
Cháu đi ra cửa bể Vân Đồn
Mùa thu biển lạnh
Những chú lính thú đời Trần đã chết
Bãi lầy sú vẹt mênh mông
Đảo chênh vênh dưới mù mịt mưa phùn
Hang đá ào ào gió hú
Cửa Vạn Tài, đảo Tràn Bàn sóng dữ
Thương nỗi mình lận đận vợ chồng sam.

Đêm bão gầm cồn cát chạy lang thang
Bà kể chuyện những bờ biển lạ
Cửa Thuận, cửa Hàn, những tháp Chàm sụp đổ
Những đoàn người xõa tóc hú tìm nhau.

Phương Nam xa mây trắng xóa một màu
Xác khiên mộc của bao đời chiến trận
Những người đi mở nước
Lưỡi cuốc mòn cha gửi lại cho con
Bốn bể Cà Mau, mũi đất Hà Tiên
Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt
Tiếng đàn bầu réo rắt
Lý ngựa ô, Lý ngựa ô
Như gió cuộn trên bình nguyên cháy khô
Ngựa ô chạy ướt đầm thân mảnh dẻ
Thương con ngựa ô xa mẹ
Bây giờ ăn cỏ nơi đâu?

Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu
Luôn đánh vật với tai ương nước mắt
Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng
Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu
Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo
Trong độc ác dối lừa, trong sỉ nhục
Người nô lệ da vàng bất khuất
Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son
Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn
Sao bà hát những lời da diết
Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời
Những hoàng hôn chạng vạng cánh dơi
Tôi ra sông nằm xoài trong bãi sú
Phù sa ướt lấm lem gò má
Tôi về ngồi dưới lá úa cành xoan
Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang
Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc
Trái sung non thì chát
Quả dọc già thì chua
Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng
Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê
Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya
Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ
Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
Sôi trong máu những bầy voi nguyên thủy
Sáng trong mắt những rừng gươm chớp loé
Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung
Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non
Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể
Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế
Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời
Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi
Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối
Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối
Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn
Quả bầu khô là tâm sự của vườn
Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm
Điệu bát ngát là của đồng của đất
Lời vụng về là tha thiết lòng tôi.

Đêm hội vui, tiếng trống giục liên hồi
Bà sống dậy, bà đừng buồn nữa nhé
Bà lại trẻ như ngày xưa hát ví
Người náu mình trong quả thị bước ra
Người hứng dừa từ giấy điệp bước ra
Người đã khuất cũng về đông đủ cả
Những tượng đá bỗng chập chờn nhẩy múa
Những cụ già say rượu hát nghêu ngao
Ngực em tròn anh chẳng dám nhìn lâu
Lời em nói có măng rừng muối bể
Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ
Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua
Mọi tai ương khủng khiếp đã qua
Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm
Mai gắn lại những vết thương xé thịt
Dân tộc mình mở tới một trang vui
Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi
Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
Để sống hết những vui buồn dân tộc
Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

Trắng mây bay, ngợp gió những khu rừng
Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy
Với trùng điệp bạn bè cùng tuổi
Áo quân trang xanh cây lá vườn bà
Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta
Máu đồng đội đã thấm vào đất ấy
Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi
Vây quanh mình bao gương mặt thân quen
Mặt người xưa hòa lẫn mặt anh em
Câu hát cũ lẫn vào câu hát mới
Dòng sông hét, biển gầm lên dữ dội
Những chân trời vụt mở bao la
Những chân trời chưa hề biết hôm qua
Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ
Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở
Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi
Đất phù sa vô tận dấu chân người
Những đoàn quân lại ra đi từ đất
Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai…

(1972-1983)
-----------------------------------------------------

Report abuse for this article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét