Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Một ru-bic thơ đã ngừng xoay

Category: Bạn viết, Tag: Bạn bè, Đời sống
09/10/2011 02:24 pm

Cũng lâu lâu rồi, trong một lần lọ mọ, lang thang trên mạng, tình cờ đọc được bài phỏng vấn Trần Anh Hùng (Đạo diễn Việt kiều nổi tiếng của những bộ phim: Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng..., và mới đây nhất là Rừng Na Uy), tôi lại nhớ đến đồng tác giả của lời thoại phim Xích lô- Nguyễn Trung Bình, người đồng hương, và cũng đồng thời học cùng khóa với tôi ở Trường Đại Học Tổng Hợp Huế vào những năm cuối cùng của thập kỷ tám mươi thế kỷ trước. Tôi không biết Bình nhiều, phần vì chúng tôi học chung cùng với nhau chỉ ở một vài bộ môn như là Tiếng Nga hay là Hán-Nôm..., cùng những buổi ngoại khóa ít ỏi và những buổi tập quân sự, phần nữa cũng vì hai dãy phòng ký túc xá của hai lớp chúng tôi nằm cũng cách khá xa nhau, cho nên tôi chỉ nhớ được mỗi cái dáng lững thững của Bình mỗi ngày lúc trưa, lúc chiều vẫn đi ngang qua trước cửa phòng của chúng tôi để tới nhà ăn (chứ không như với Hải, hoặc ví dụ như với Thống, tôi hay nhớ đến Hải bởi ngày đó Hải thường cặm cụi làm thơ tình tặng cho cô nàng bạn gái thành viên của lớp tôi, còn Thống thì là người viết chữ tượng hình đẹp nhất của khóa, anh chàng sinh viên từng là đệ tử xuất gia của nhà Phật trong nhiều năm này có thể viết được một cách rất dễ dàng bằng Hán tự những bài cổ thi Đường đẹp đến mức độ phụng múa rồng bay...) Hết năm thứ nhất, tôi (cùng với một người bạn nữa ở lớp Bình) vào Sài Gòn, rồi đi Nga..., bỏ lại phía sau lưng cánh cổng trường đã từng một thời là niềm mơ ước thênh thang đó... Hơn hai mươi năm đã trôi qua rồi. Một lần bất chợt đọc trên blog của một người bạn khác cùng lớp với Bình, tôi mới biết Bình đã đường đột bỏ ra đi... khi mà tuổi đời của tất cả chúng tôi đều hãy còn rất trẻ. Đọc bài của người bạn viết về Bình và thơ Bình, tôi thật sự xúc động và cứ thấy bâng khuâng trong lòng một niềm cảm phục. Nên tôi đã xin phép và được bạn chủ nhân blog đồng ý cho mang về bài viết rất hay đó, về Bình... Một bài viết, mà theo như tôi nghĩ, vừa mẫu mực ở khía cạnh hiểu-thấu thơ Bình một cách chu đáo, thông tuệ trong những liên tưởng và cảm nhận, lại vừa chừng mực ở từ vị thế của những gần gũi và đau xót bè bạn...

Tôi đưa lên đây, như là một nén nhang tưởng niệm!

Cầu cho linh hồn bạn được thanh thản!


           Một ru – bic thơ                             
                                 đã ngừng xoay

“Bữa đó em đã nói gì mà Sài Gòn mưa triền miên suốt ba ngày ba đêm/ miền Trung chìm trong bão dữ/ ta một mình đi vào buổi chiều chẳng còn ai để nhớ/ mưa như nước mắt đàn ông/ rơi lì lợm...
Mưa không biết mình phải đi đâu mưa rơi vào mắt nâu mưa rơi...”
                                                                                      Khúc mưa

Câu cuối cùng trong Khúc mưa của Nguyễn Trung Bình làm cho mưa vẫn mưa không dứt. Hình như đấy là lúc lòng người mềm yếu nhất, chới với nhất nhưng biết mình yêu thương nhất. Cuốn thơ nhỏ, mỏng manh mà đồng nghiệp và bạn bè của Bình đã tập hợp, xuất bản và phát hành những ngày cuối năm 2009 vừa qua có thể xem như một di cảo. Bình đã đi về nơi xa lắm...
      
Trong thơ Bình, dễ gặp nhất là gam màu nâu. Trước kia, Bình có Bài của trẻ dáng nâu. Và bây giờ, trong tập Thơ Nguyễn Trung Bình (NXB Lao động) vẫn đầm đậm những gam màu nâu. Điều đó hình như đã làm cho Bình có một cái nhìn riêng biệt giữa một thành phố đông đúc, đầy chật, nhộn nhịp mà dường như không ai nghĩ/để ý xem người xung quanh mình đang sống như thế nào, làm gì... trong một guồng quay vội vã. Nhưng Nguyễn Trung Bình thì xác thực “Trời Sài Gòn u u mắt nâu”. Có lẽ, đó cũng là khi Bình mang cái nhìn bộc lộ “nên tôi nhìn/ tôi lo/ tôi mừng/ tôi đau/ giận hờn theo cách khác”. Thế nên đô thị trong cái nhìn màu nâu của Nguyễn Trung Bình, là một cuộc sống khác được ghi nhận ở phía lam lũ:

“Người đạp xích lô ngủ vỉa hè đầu gối ngửa lên trời đưa qua đưa lại
người di cư lặng lẽ gánh gồng trên lề đường tách nhau chỗ vòng xoay
chiếc xe lam dừng tại cột đèn thả xuống mấy người đàn bà bán bưng thúng mủng
cái nón lá nhô lên hạ xuống hệt túp lều tuổi thơ di dộng”

                                                    Coi như truyện chưa kết   

Rất nhiều lần, trong thơ Bình, đôi mắt nâu hiện lên, vừa như một hình dung từ, lại vừa như một cách thể hiện còn hơn cả ám ảnh – như một bám víu, một chở che, một cứu rỗi: “Mắt nâu buồn nhưng đừng khóc nghe”, “đừng phiền muộn mắt nâu đừng phiền muộn”, “đừng chớp mắt nâu ơi mắt nâu”(Mắt nâu); “những đêm vắng ngồi thừ trò chuyện với dáng nâu”(Trò chuyện)... Ngay cả khi Bình không xác thực, người đọc vẫn thấy gam màu ấy trong những con chữ mà Bình thả lên trang, trong những chiều cảm xúc gợi lên từ sự vật và hiện tượng mà Bình vừa nhẩn nha, lại vừa riết róng, vừa có vẻ bàng quan nhưng thật ra lại rất đau đáu: “giá như đừng nghĩ về nhau một giây thử có chết ai không/ ngoài đường người ta cứ vượt đèn đỏ/ chạy lấn tuyến vô tư nhưng về nhà thì lên lớp trẻ con đủ điều nặng nhẹ...”

Tập thơ do bạn bè, đồng nghiệp thực hiện khi Bình đã đi về nơi xa lắm nên trong tập hợp này, có nhiều bài gần như mới chỉ là một bản nháp, một phác thảo mà sau đó, Nguyễn Trung Bình còn trở lại. Cũng vẫn là những ký tự, nhưng đã mang đến cho người đọc một cách nhìn khác, cách cảm nhận khác. Chẳng hạn như ở Bão với cách “xoay” khác: “Thế là em đã nói ra điều ấy trước giờ bão đến/ trời Sài Gòn u u mắt nâu/ anh đi vào mơ/ vào thực/ vào buổi chiều chẳng còn ai để nhớ.../ Mưa bủa vây bốn phía/ Mưa như nước mắt đàn ông/ rơi lì lợm...”(Bão)

Tôi đọc những câu thơ ngẫm nghĩ ở Bão, Chạy trốn, Coi như truyện chưa kết, Mặt trời chim non, Mẹ Thu Bồn... và vẫn thấy Bình như Bình lâu nay, khác người, đầy triết lý, ma mị, thậm chí là gây gổ trong những câu chữ. Trong thơ, thế giới của bạn đầy chật bạn bè, đầy chật những cuộc vui. Đầy chật những trận cười. Đầy chật những chuyến đi và bộn bề ngổn ngang công việc. Đọc những câu thơ trong tập, thấy Bình hiện ra ở rất nhiều dáng vẻ. Chẳng hạn là một nhà thơ, là người viết kịch bản với những “phân cảnh” cuộc đời(Coi như truyện chưa kết; Hành trình(diễn); Ngôn(từ)ngữ; Nhật ký tin nhắn)... Cũng trong thơ, nhiều khi thấy có một Nguyễn Trung Bình với nhiều trạng thái, với một chút gì vừa ngạo nghễ, vừa bận rộn và đôi khi dông dài một cách khúc chiết.

Vẫn trong chiều suy tưởng, vẫn cách dụng từ trong một biên độ đa nghĩa, nhưng ở tập thơ này của Nguyễn Trung Bình, có thể đặt Mặt trời chim non, Mẹ Thu Bồn, Nhật ký phố trăng, Sinh nhật, Trí nhớ suy tàn, Trong sổ tay, Khả năng, Hội An... sang phía trữ tình với dài lắm, dầy lắm ký ức quê hương với cánh đồng mờ mịt khói rơm; với câu hát dâu xanh; những chiếc thuyền nan úp mặt bờ sông... Nhưng đôi khi, lại chới với như một câu hỏi “không phải dân ca/ em cong mình cho đá sống/ vòng tay uốn lượn thời gian không uốn nổi lòng người”(Trước khi mặt trời mọc); hay buốt nhói “Buổi chiều đó mưa sụt sùi tiễn em về ngõ nhỏ/ mắt đỏ hoe/ anh đứng chết trân/ phố có như không/ em như mùa đau buốt/ bao giờ hỏi bây giờ trắng tay”(Trí nhớ suy tàn) nhưng đôi khi lại hân hoan “... trên dòng sông của em anh là chiếc ghe bầu duy nhất/ xuôi ngược tháng năm lặng lẽ cánh buồm/ dòng sông ấy chẳng bao giờ cạn kiệt/ cứ phơi mình mặc sóng gió thời gian ”(Tin nhắn từ Hội An)
     
Bình là người rất cô đơn. Đọng lại và chìm sâu khi gấp tập thơ của Bình, bạn cùng lớp cũ, đó là điều mà tôi cảm thấy. Cô đơn cùng cực. Cái cô đơn của người “Đi lạc quê hương trong ngày áp thấp/ Tin nhắn Sài Gòn động đất mấy mươi giây/ Tìm lại địa chỉ mình không có tên trong hộ khẩu/ Tôi lại đeo ba lô ngày tháng đi tìm tôi!...”(Đi lạc trong quê hương), hay:
        
         "chợt tiếng mèo rơi đáy giếng
          ... đôi mắt buồn hơn khóc
          nhện giăng nhòe bàn tay... dòng sông đã lặng
          lòng như cánh buồm trắng hoang mang"

                                                           Nhật ký phố trăng         

Nếu nói rằng, cuộc sống chính là những trải nghiệm, thì Bình – trong thơ và qua thơ – có lẽ là người chắc vẫn thường rưng rức buồn, rưng rức nghĩ suy và luôn là một cái nhìn sâu, vào tất cả những gì đang diễn ra, đang trôi đi và đang chảy qua trong một hành trình sống đông đúc, nhộn nhịp, bơ thờ, lẻ loi, đặc quánh, rỗng không. Cái nhìn của một người quá nhiều tâm trạng.

Đọc thơ Bình, trước đây và bây giờ, nếu có thể ví von, thì tôi nghĩ, đó cũng là một bức tranh theo trường phái lập thể, hiện đại. Nó có vẻ gì đó gần với cách của Võ Xuân Huy khi thực hiện loạt tranh sơn mài trong Ba biến thể. Nhưng thơ Bình, trong một chiều rơi khác, lại làm người ta dễ cảm nhận, dễ thảng thốt, dễ đau đớn và cũng dễ tổn thương với/sau những gì mà mình đã đọc được, đã chiêm cảm được và đồng hành được với những gập ghềnh, với những dằn vặt, với những ký tự mang vẻ ngụ ngôn, lại vừa có vẻ gì đó thấp thững của một dáng người trong hành trình đơn độc.
      
Và điều mà tôi muốn nói sau khi đọc Thơ Nguyễn Trung Bình, với tư cách là một bạn học cũ, là Bình đã đi mãi và những khối vuông ru – bíc – thơ của bạn trên các ngả đường thênh thang mà chật hẹp đã ngừng xoay mất rồi...


Nguyễn Hồng Hạnh- 14/01/2010.


 



 
 



















Nhớ anh Nguyễn Trung Bình

Chiều nay lang thang blog
Tình cờ chạm bước vườn xưa
Thuở em vừa tròn mười bảy
Thuở anh chớm tuổi lớn vừa
Thuở bài thơ tình anh viết
Thảng rơi dấu lặng đơn côi
Thuở dòng thơ em mực tím
Trong veo mộng biếc dâng đời
Một lần chào nhau quá vội
Chưa kịp gọi tiếng thân thương
Người đi đời như sương khói
Người về nào biết vấn vương
Chiều nay lang thang chợt thấy
Anh cười trong cõi hanh hao
Vần thơ rưng rưng dấu lệ
Cho em ngỡ ngàng chiêm bao
Cho em được quay về lại
Chuyện vào đêm không trăng sao *
Cho ta gặp nhau lần nữa
Cho em sẽ một câu chào
Chiều nay lang thang blog
Giật mình câu chuyện hôm nay
Đừng để người đi như khói
Người về mắt mãi còn cay... *


Hồng Duyên

*Câu thơ Anh đọc vào đêm thơ nhạc năm ấy, em chỉ còn nhớ thế thôi... Cô nhỏ...

Cỏ at 01/29/2012 06:33 am reply
“những đêm vắng ngồi thừ trò chuyện với dáng nâu”(Trò chuyện)
lãngtử at 12/30/2011 07:30 pm comment
Xin nghiêng mình trước anh - Người đồng hương thân mến! Cảm ơn và trân quí tấm lòng của Cỏ. Cỏ thật gần
Cỏ at 12/31/2011 06:04 am reply
* Nguyễn Trung Bình - Duy Xuyên, Quảng Nam. K11 Đại Học Tổng Hợp Huế. 
Đã in các tập thơ: Miền mây trắng (Chung - 1994), Bài của trẻ dáng nâu (1996), Thơ Nguyễn Trung Bình (2009). Đồng tác giả lời thoại kịch bản phim Xích lô - Đạo diễn Trần Anh Hùng (Giải Sư Tử Vàng - Liên hoan phim Venise, 1995)
Cô nhỏ at 12/30/2011 03:59 pm comment
Xúc động quá khi gặp lại anh ở đây! Anh đã về trường Cô nhỏ học, cùng với nhà thơ Hoàng Minh Nhân, tổ chức một đêm thơ nhạc. Đêm thơ đó, Cô nhỏ đã đọc Đêm cuối năm của mình. Năm sau, tập thơ Bút Hoa ra đời, trang đầu là bài Hoa Chéri đó Cỏ. Xin ngậm ngùi cúi đầu trước ANH... Nghe lại bài Người Quảng dáng nâu, thơ anh nè Cỏ ui.
Cỏ at 12/31/2011 06:13 am reply
Đứa trẻ dáng nâu đã từ Đất Mẹ ra đi..., và rồi cũng đã lại trở về với lòng Đất Mẹ...
Hanh at 09/21/2011 02:39 am comment
Này bạn ơi, tớ không ngờ ký ức thời ấy trong bạn vẫn còn dầy dặn thế, dù bạn ở đó hình như nhõn 1 năm thôi. Hi, và phi lộ của bạn oách ghê quá, làm tớ cứ phải nhón nhén bước...
Cỏ at 09/21/2011 03:08 pm reply
Này bạn: "Đêm nằm hơn năm ở..." Mà tớ thì cả nằm lẫn ở... "nhõn" một năm, cho nên ký ức vẫn còn lưu giữ lại được vài điều. Hồi lần đầu đọc blog của bạn, tớ nhắn cho V: "Đã vào blog của Hạnh. Đã đọc. Gã nói thật, chẳng hiểu sao cứ hay thấy nhớ một cách trân trọng cái cô bé học cùng khóa, khác lớp, và ít có quen biết gì này? Có lẽ là do một ấn tượng ban đầu mạnh mẽ nào đó mà gã đã quên không chú ý đến, hay chăng? Bây giờ đọc mấy cái thư mục: Phía mình, Về bạn bè... của Hạnh, gã có được điều xác tín cho những hình dung hai mươi mấy năm về trước..." Thế đấy, bạn! Nên cái vụ phi lộ gì gì mà bạn nói đó, tớ chả hiểu. Và bạn không phải nhón nhén, cứ ghé vào lúc nào bạn thích nhé(và tất nhiên là nếu như bạn rỗi) Tớ sẽ rất vui. Và bao giờ cũng sẽ có thêm một ly đen... để dành cho bạn nữa. Cỏ-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét