Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Về Hà Nội...


Về Hà Nội...


Đăng ngày: 13:57 27-08-2011
Thư mục: Văn


Cảm ơn bạn tôi - N.T.H, đã đọc và góp ý chỉnh sửa nội dung Tùy Bút này.
Kính tặng các Thầy: Lê Đức Mẫn, Nguyễn Văn Giát, Vũ Đức Ngọc Dũng.
Cùng thân mến tặng tất cả bạn bè Hà Nội, và... không Hà Nội của tôi.
                                                                    -Trần Đình Bảo-
 

“Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi. Có người lặng ngắm mây trôi biết bao là nhớ tơi bời...”
 
       Tôi sinh ra ở một thành phố ven biển Miền Trung có nhiều nắng, gió và cát trắng. Tuổi thơ gắn bó với mảnh đất quê Cha, quê Mẹ..., với sông Hàn, vũng Hàn, vịnh Hàn- địa danh phát xuất từ tiếng melaya cổ có nghĩa vùng đất nơi bến sông, cửa sông. Yêu Huế bằng tình yêu mê muội và dai dẳng- một thứ tình yêu của định mệnh. Ngưỡng mộ một Gia Định - Sài Gòn trẻ trung vạm vỡ ngực trần. Còn Hà Nội, Hà Nội chưa từng một lần đặt chân đến, Hà Nội của nét nhạc Hoàng Dương kia, của trí tưởng tượng, trong hình dung về một đất Kẻ Chợ 13 trại, 61 phường- rồi 36 phố phường..., đã mãi là tiếng gọi thiêng liêng say đắm, là bàn tay vẫy trìu mến dịu dàng. Vì hoàn cảnh đưa đẩy, và có lẽ cũng còn vì cả số phận nữa- tôi đến Moscow cúi mặt nhìn những viên đá lát Hồng Trường, ngước mắt thấy những tháp tròn nhà thờ Cơ Đốc Chính Thống vươn cao trên nền những bức tường gạch đỏ của điện Cẩm Linh, đến Kiev, đến Minsk…, ngơ ngác trước ánh mắt xanh và những mái tóc màu hổ phách sóng sánh như màu nước biển Ban-tích ở thủ đô Riga từng qua. Biết Berlin của Bismark, Dubai của các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất... trước khi đặt chân lên đường phố Thủ Đô cả ngàn năm tuổi của đất nước mình “Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội...” Rùng rùng trong tôi là những cảm giác trái ngược, lẫn lộn. Cuối cùng rồi thì, mình cũng đã đến được đây ư? Mảnh đất của sự lựa chọn lịch sử vào năm 1010, mà như Thái Tổ Lý Công Uẩn đã viết trong Chiếu dời đô: “Đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau.” Đông Đô - tức thành Đại La, quả thế, từ xa xưa đã là đất trung tâm, là chiếc nôi của nền văn minh châu thổ sông Hồng... Để rồi với hình ảnh rồng bay lên đẹp đẽ và kiêu hãnh ngày được chọn làm đất định đô thay thế cho chốn cũ Hoa Lư, đã mãi mãi trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng lớp lớp cháu con Đại Việt:

                                  “Từ thuở mang gươm đi mở Nước
                              Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” 

       Tôi không có may mắn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, để có thể ngân nga câu hát: “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội. Những phố phường tuổi thơ tôi vời vợi...” như một số bạn bè tôi sau này, nhưng bù lại tôi có diễm phúc được chiêm ngưỡng thành phố từ xa, theo trí tưởng tượng của riêng mình tôi, cũng giống như là mình mê đắm với người tình vẽ vời trong mộng của mình, thể nào mà chả đẹp chả xinh. Hà Nội ngày còn bé ấy đối với tôi là những hiểu biết mơ hồ đại loại: thành phố ở phía bên trong con sông (Hà có nghĩa là sông, Nội là bên trong, Hà Nội tức vùng đất ở phía bên trong con sông - Danh xưng có từ thời nhà Nguyễn, đâu như vua Minh Mạng thì phải, đã đặt tên này cho Đông Đô). Hà Nội cũng đập vào mắt tôi hư hư, thực thực qua hình ảnh những chùm hoa lửa rực rỡ của cành phượng vĩ lung linh trong bóng nước hồ Hoàn Kiếm, đỏ ngang ngang Tháp Rùa... trên những tấm bưu thiếp, những bức ảnh in nơi bìa lịch, trong trang báo cũ bao vở học trò: “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê...” Cố thi sĩ Chế Lan Viên có lẽ là người khơi dậy nỗi đam mê đã đeo đẵng theo tôi suốt nửa cuộc đời... “Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ...” Đó là Hà Nội của thời mất nước, thời nô lệ. Còn Hà Nội của những tháng ngày khói lửa và tiêu thổ kháng chiến qua những câu thơ “Đất Nước”... run rẩy hào hoa và ngất trời hào khí... của Nguyễn Đình Thi, thì đã in đậm vào trong trí óc non nớt của lũ chúng tôi qua giọng giảng sang sảng, âm vang của người Thầy dạy văn đầu tiên mà tất cả chúng tôi đều kính trọng:

                              “Sáng mát trong như sáng năm xưa
                               Gió thổi mùa thu hương cốm mới
                               Tôi nhớ những ngày thu đã xa...
                               Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
                               Những phố dài xao xác hơi may
                               Người ra đi đầu không ngoảnh lại
                               Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...” 

Và, nào chỉ có vậy, Hà Nội xa ngái của thuở ấy cũng còn là những trang viết nồng nàn bao hoài niệm xưa cũ của Mai Thảo đọc vội, đọc chui bên góc chợ, lề đường: “Trở về những mảnh tôi xưa. Trúc Bạch dưới trăng vàng. Thiếu thời ấy là một Nghi Tàm lồng lộng. Lưu thủy cộng trường thiên nhất sắc. Cổ Ngư đêm mùa hè. Làng Láng màu cốm đậm và những hình ảnh muôn thuở của Hà Nội chưa tiều tuỵ. Ánh lửa khuya dưới vòm ô Quan Chưởng. Mầu đỏ khé cầu Thê Húc. Và những tiếng động, gió Hồng Hà mùa nước lũ. Tiếng còi tầu Long Biên. Tiếng tỳ bà Ngã Tư Sở đìu hiu lau lách. Tiếng phách Khâm Thiên...” Không chỉ có mỗi Mai Thảo, Hà Nội qua sách vở của tôi cũng mang mang xa vắng với tác giả “Tiến Quân Ca” vang lừng, với cổng thành rêu phong, khu phố cổ, đền miếu cũ, những con đường cát bụi ngủ yên trong xác những lá me vàng, trong chập chùng những kỷ niệm, những ẩn ức về một thời thanh xuân phong ba, nông nỗi: “Thời trẻ đối với tôi, gần như tình yêu dính dấp đến phố phường. Những con đường mình đi qua để chẳng bao giờ quên. Hà Nội như chất muối mặn, ngấm vào da thịt, ngấm vào khổ đau để rồi xa vắng với những phố phường của năm tháng cũ, Hà Nội của tuổi trẻ không còn nữa...” Tuổi trẻ của tôi cũng đã vèo bay đâu mất. Bây giờ hồi tưởng lại, sao thấy bâng quơ nhung nhớ những nắng sáng, mưa chiều, thấy vương vương đâu trong gió không gian nơm nớp lo âu những năm sau giải phóng, thậm thụt mân mê những gáy sách cũ ố vàng của thời Tự Lực Văn Đoàn, Nhân Văn Giai Phẩm..., lê la say sưa với góc phố, vỉa hè Hà Nội một cõi văn chương của thập niên 20, 30 thế kỷ XX cùng với những “Số Đỏ”, “Dưới bóng Hoàng Lan”..., những Ngày Nay, Nam Phong, Phong Hoá, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy..., những Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam... “Những nhà ở Hà Nội có một kiến trúc riêng. Ở các phố Hà Nội bây giờ, thỉnh thoảng cũng còn được vài căn nhà hình ống. Giữa nhà một mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ cá vàng, có dẫy chậu Lan, có bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho. Đôi khi qua cánh cửa mở, thoáng nhìn vào, bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân... Tất cả cuộc đời của kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ...” Thạch Lam đấy, có phải tôi bắt đầu nhen nhóm trong tim một chút gì như tình yêu đối với thành phố ở tít tận ngoài đất Bắc sa mù kia, cũng chính là từ những con chữ miên man hoài cố nhân, hoài cố quận ấy: “Chúng ta không biết được mấy về dĩ vãng, về phố xá Kinh thành hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc, từ Bát Tràng đến Thăng Long thành, bốc thuốc ở Vạn Thảo Đường, chữ son sắc nước đỏ tươi, bay bướm nửa chân nửa lệ, và bây giờ ở phố Hàng Đường cũng có ba chữ Vạn Thảo Đường, nhưng được viết bằng thứ chữ vuông tân thời...” Tôi cũng biết đến Trần Dần lần đầu bởi con ngõ nhỏ nào đó của ông..., vào một ngày mùa đông, Hà Nội trở gió: “Hà Nội thu mình khép gió, những tàn cây trơ trụi, lá co ro chống đỡ cơn may hiu quạnh, mênh mang nhớ, rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi vụt mất... Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc, đất hôm nay tầm tã mưa phùn...”

       Như tôi đã tự thú, Hà Nội đối với tôi cũng giống như một người tình trong mộng, người tình xa... để tôi thả sức tưởng tượng, thả sức thêu dệt, vẽ vời theo dòng cảm xúc của những tác phẩm, tác giả từng gắn bó với, và yêu mến thành phố như là Thạch Lam, Văn Cao, Trần Dần, Mai Thảo... đã dẫn ở trên; cũng như của những ca khúc, tình khúc bất tử... về mảnh đất của lịch sử, để Hà Nội còn mãi trong tâm tưởng của những ai đó... với mùi Hoàng Lan, mùi hoa sữa, cành bàng mồ côi, quán cóc liêu xiêu một câu thơ... Hồ Tây tím mơ..., của một Thăng Long đã lưu danh thiên cổ, và của một Hà Nội còn quằn quại trong cơn mê trần: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa...”

       Tôi về Hà Nội lần đầu vào năm 1996, cũng không có dịp đi đâu nhiều, phần vì vợ chồng bạn tôi bận bịu việc công sở, phần vì tôi vừa mới trải qua chuyện không hay, chuyện không lấy gì làm vui (có hạt bụi đường bay lẫn vào mắt, tôi đã lấy ra nhưng vẫn còn mãi dị ứng và cay đỏ), cộng với phố xá Hà Nội bỡ ngỡ xa lạ... tôi cũng thấy ngại, thành ra chủ yếu nằm queo suốt ngày một mình trên căn gác nhỏ nhà bạn ở phố Trương Định - gần chợ hoa quả... nghe âm thanh phố phường xao động ngoài xa, thi thoảng xuống ngồi uống chén nước trà xanh đầu ngõ, ăn cơm bụi vỉa hè đợi bạn đi làm về. Cũng có được đưa đi ăn cháo lòng phố Huế, phở Thìn, phở Lò Đúc, gà tần Tống Duy Tân..., thăm viếng chỗ này, chỗ kia... nhưng thú thực, tôi lúc ấy không có tâm trạng nên cũng chẳng lưu tâm gì nhiều. Ngay cả chuyện bạn (vốn quê gốc Nam Định với cụ Tú Xương ngày xưa) tặng cho bài thơ viết nhân chuyến vào Đà Nẵng tận từ hồi năm 92, có những câu như thế này đây:

                        “Tôi thay bạn về thăm quê hương đây
                         Biển vẫn đó mà người không ở đó
                         Con sông Hàn giữa mùa mưa gió
                         Cứ cồn lên như thể nhớ nhung gì
                        
                         Có phải người từ độ bước chân đi
                         Hò hẹn với sông để rồi không trở lại
                         Tôi thả xuống sông bài thơ an ủi
                         Nói giùm người nỗi nhớ lúc chia tay
                        
                         Tôi thay bạn về thăm quê hương đây
                         Nắng đã nhạt gió đầu mùa chưa lạnh
                         Sông có giận gì không mà lẫn tránh
                         Sóng lạnh lùng ngoảnh mặt sóng đi xa
                         
                         Có một người đi mang nỗi nhớ xót xa
                         Muốn gửi cho sông mà đôi đường cách trở
                         Tôi là kẻ nhớ nhung thương mến hộ
                         Nên dẫu có thật lòng sông cũng có cần đâu.” 

                                                    Nguyễn T Bích Thủy-

mà tôi cũng đọc một cách thờ ơ, sau nghĩ lại thấy xiết bao ân hận. Bài thơ tôi giữ đến tận bây giờ với lòng thương mến và trân trọng - còn ước nguyện viết cho bạn một cái gì... thì cứ mãi canh cánh bên lòng như là món nợ chưa trả, ngoại trừ có mấy câu ngắn, thành hình lúc đã rời Hà Nội để về ngồi bình tâm dưới mái quê nhà, cạnh những người ruột rà, thân thuộc: 
     
                        “Em đi miên man Hà Nội phố
                         Gió lùa hương tóc sớm mai nay
                         Tôi ở xa quê về lại nhớ
                         Chao ơi Hà Nội tóc em gầy...” 

Tôi không gặp bạn đã mười mấy năm nay, vẫn nhớ dáng bạn cao cao, tóc bạn dài, đèo tôi bằng xe máy qua hết con ngõ này đến đường phố khác... trong một buổi sáng Hà Nội vắng lặng và miên man gió se lạnh, tóc bạn cọ vào mắt, vào mũi tôi buồn buồn, và... ngơ ngác mùi hương...
 
Nhưng thôi, đó cũng chỉ là những kỷ niệm không đâu... về một Hà Nội lần đầu tôi đến. Bạn tôi, nghe bảo bây giờ đã cắt tóc ngắn, bận bịu đủ thứ thế... thì còn gì nữa… hở... Dịu dàng ơi...!




Ngay từ năm một ngàn chín trăm chín mươi, Thầy tôi -Thầy Nguyễn Văn Giát, cựu binh tên lửa của một thời Hà Nội bắn máy bay Mỹ, đã nói với tôi rằng: “Giờ cậu về Hà Nội, chẳng còn gặp được những gì như trong tưởng tượng nữa đâu...” Tôi cũng biết thế, nhưng sao vẫn cứ thấy buồn. Thầy Lê Đức Mẫn - Giám Đốc Trung Tâm Dịch Thuật thuộc Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội, cũng là một danh sĩ trí thức của đất Tràng An âm trầm, thâm thuý. Thời gian đầu, ngồi hầu chuyện Thầy mãi mà tôi nào có biết đấy chính là tác giả đã dịch “Những người thích đùa” của Azit Nê-xin sang tiếng Việt. Thơ Thầy mộc mạc, giản dị, vàng ròng cảm xúc:


                        “Sao tuổi nhỏ được gọi là tuổi Thơ
                         Mà lớn lên không là tuổi Nhạc
                         Sao tuổi già không gọi là tuổi Triết
                         Và thời hoa niên không phải tuổi Văn Xuôi?
                         Cho tôi được trở về với tuổi thơ tôi
                         Có nắng gió có diều bay sáo hát
                         Yêu mệt lắm suy tư thì khổ cực
                         Đêm thì dài sao ngủ được... ai ơi!”

Hay bài thơ Thầy viết cho người Thầy của mình, tôi tiếc vì đã không xin chép lại, đến bây giờ chỉ còn vang vang trong tâm trí những câu:

                         “Đi dạy rồi mới biết thương Thầy xưa

                          Cứ hì hụi với ngọn đèn cây bút...” 

hai câu tiếp theo, tôi không thể nào nhớ nổi, đầu óc cứ ong ong, mơ hồ:
                          
                         “Ngọn đèn ấy như hải đăng vẫn thức
                          Dòng chữ Thầy con sóng cứ đong đưa”  
                                ...
                        “Đi dạy rồi mới biết thương Thầy xưa

                         Tôi nghịch quá gọng kính Thầy cứ buộc
                         Gọng kính ấy trong lòng tôi hắt sáng
                         Như mỗi lần chớp ấm giữa cơn mưa

                         Đi dạy rồi mới biết thương Thầy xưa

                         Chữ tôi xấu ngọn thước Thầy phải quật
                         Cây thước ấy trong lòng tôi thẳng tắp
                         Thời gian qua vết nhức có đâu qua
                         
                         Đi dạy rồi mới biết thương Thầy xưa
                         Tôi lại thức với ngọn đèn cây bút
                         Chắc mai này... học trò tôi lại nhắc
                         Cây thước Thầy, gọng kính... cứ bung ra...” 

Thầy Vũ Đức Ngọc Dũng, mà tri thức cùng sự lịch lãm của người Hà Nội phố cổ đã làm điêu đứng cô sinh viên hiền hậu đến từ xứ sở những lời nguyền chinh chiến Palestin. Cô bạn chỉ mới bắt đầu vào Khoa Dự Bị nên cứ mãi ngắc ngứ nửa tiếng Nga, nửa tiếng A-rập... trông thật tội. Đó là các Thầy ở Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội sang công tác tại Trường Tổng Hợp Quốc Gia VÔ-RÔ-NE-ZƠ, miền Trung Nga, nơi tôi lê la năm đầu tiên của quãng đời du học sinh xa nhà. Những con người Hà Nội khả kính nhất mà lần đầu tôi gặp gỡ ấy, đã để lại trong tôi những ấn tượng thật khó phai mờ… Rồi tôi về Trường Tổng Hợp Quốc Gia Kuban ở miền Nam nước Nga kết thân với Tiến - Nguyễn Duy Tiến (Tiến Trương Định), gã trai có lúc tôi xem như bạn bởi tính cách quân tử, ngay thẳng như cây Tùng, cây Bách; có lúc lại nghĩ như anh bởi học khóa trên, lại uyên bác và sâu rộng tầm hiểu biết. Anh Nguyễn Chí Dũng - Dũng “xoăn”: lập dị - nhà gần bờ Hồ. Tôi vẫn hay sang phòng anh ngày anh còn học Khoa Báo Chí để nghe anh nói chuyện quân ngũ, chuyện Đông-Tây kim cổ, chuyện dưới biển trên trời, chuyện văn Ta văn Người..., thường thấy anh xõa tóc ngồi trên giường, nơi đầu giường là mấy bức ảnh chụp hình đầu lâu xương chéo... trông cứ như cờ hiệu của bọn cướp biển, với lại hình mạng nhện to tổ bố..., sách vở, băng đĩa nhạc, nồi niêu bát chén lẫn lộn, lăn lóc tứ tung. Tôi nhiều lúc nghĩ thấy cũng muốn “lây lây” tí chút cái tính khí gàn dở đáng yêu muôn thuở ấy, của mấy tay kẻ sĩ Bắc Hà. Anh Phạm Đức Tuấn - học Luật, nhà bên Gia Lâm, vốn xuất thân Cảnh Sát Cơ Động Thủ Đô, tôi gắn bó với anh nhiều năm, cùng anh chia sẻ đủ thứ, nhưng thích nhất vẫn là được anh chiêu đãi bao nhiêu món ăn Hà Nội dân dã: thịt đông dưa chua, giả cầy, thịt lợn kho Tầu, canh cua rau đay mồng tơi, cà pháo mắm tôm... trong suốt những mùa tuyết rơi lạnh ngồi nhớ nhà và nghe anh kể về những thứ đặc sản nổi tiếng của Hà Nội như cốm Vòng, nem Phùng, bánh cuốn Thanh Trì, đậu phụ chợ Mơ, cá rô Đầm Sét... Anh là con người mà qua tiếp xúc vẫn còn thấy phảng phất đây đó chút hương thừa của người Hà Nội xưa cũ. Đó là những bậc đàn anh của các khóa trước. Còn nếu nói về bạn Hà Nội đồng trang đồng lứa những năm tháng ấy thì có Hậu - Kim Liên tốt bụng hiền hiền, lành như đất. Có Lan kiêu sa đài các, sắc vóc rực rỡ... đến nỗi khiến anh chàng có tên là UMBERTO trồng ngay cây si Mễ-Tây-Cơ to bự. Nhớ cuộc thi Hoa Hậu giữa các nữ sinh viên đến từ hơn 60 nước khác nhau trên thế giới vào mùa thu năm đó, tôi có diễm phúc được sánh vai Lan lên sân khấu, ôm đàn hát cùng với em bản nhạc Pháp điệu Valse đã được Thầy Lê Đức Mẫn chuyển sang Nga ngữ: “Ой, милый мой, тебя я люблю! Сердце моё... А по ночам без слёз я не сплю. Ты почему не здесь со мной?” Tôi tạm dịch nghĩa như thế này: “Anh yêu của em, em yêu anh! Trái tim em thổn thức bao ý nghĩ về anh. Hằng đêm em không ngủ được, khóc vì nhớ thương anh. Tại sao anh không ở đây với em?” Kết thúc cuộc thi, Lan đoạt ngôi Á hậu, Hoa Hậu là một nữ sinh viên người thủ đô Đê-Li, hơn điểm chỉ nhờ có vũ điệu hoang dại, bốc lửa của sắc dân bản địa Dravidian sinh sống trên cao nguyên tối cổ Đê-can thuộc miền nam Ấn Độ... Mới đó mà cũng đã bao nhiêu mùa tuyết đổ, cũng đã xa quá xa rồi Lan nhỉ? Xa mãi một thời... “Em mãi là hai mươi tuổi. Ta mãi là mùa xanh xưa...” Tôi cũng nhớ Hằng, bạn cùng phòng với Lan: lặng lẽ, kín đáo..., học cùng lớp đấy mà chẳng mấy khi chuyện trò. Rồi thì Tú, tôi nhớ Tú nhất bởi tính nũng nịu đáng yêu, thích nghe hát “Hương Thầm”, cứ mỗi chiều chiều, chưa kịp đẩy cửa phòng tôi đã cất giọng vòi vĩnh: “Anh ơi..., Khung cửa sổ...” Sau Tú xuất giá tòng phu về một nơi chốn xa lơ, xa lắc mãi tận phía bên kia sóng xanh Địa Trung Hải - nơi có sa mạc cát trắng, nhiều lạc đà, có ngọt ngào chà là bên ốc đảo xanh... Em có tìm được cho riêng mình một ốc đảo bình yên? Để mà nhớ mà quên, để mà tiếc mà thương... những buổi chiều kinh kỳ nhạt nắng, những ngày gió ngày mưa nhạt nhòa son phấn..., trời Hà Nội xanh... xanh thắm... “Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh...” Rồi còn ai nữa? “Thăng Long Tứ Đại Mỹ Nhân” cùng niên khóa với tôi ở Trường Tổng Hợp Quốc Gia VÔ-RÔ-NE-ZƠ năm đó còn có Lê nhà ở Ngã Tư Sở có tiếng đàn tỳ bà đìu hiu, lau lách mà Mai Thảo đã nhắc - Con gái Hà Nội chính hiệu dáng dong dỏng cao, mắt bồ câu to tròn, mặt mũi thanh tú những đường nét như của người Tây phương... Tôi có lúc cũng đã mất ăn mất ngủ, thần hồn nát thần tính... bởi vẻ đẹp dịu dàng mong manh sương khói. Thì cũng chỉ là chuyện bèo bọt mây trôi, một thoáng xao lòng của riêng tôi, của riêng mỗi một mình tôi mà thôi. Bây giờ nghe Lê lấy chồng đâu trong Sài Gòn, phố xá phương nam tay bế tay bồng, em biết gì không? “Nắng có còn hờn ghen môi em. Mưa có còn buồn trong mắt trong?” Khóa sau tôi, cũng ở Trường Tổng Hợp VÔ-RÔ-NE-ZƠ có mỗi hai cô, nhưng thật khéo biểu tượng: Hồng, Hà. Cô sau lúc tôi gặp lần đầu gầy như một cái que, nhưng miệng cười thì tươi lắm lắm, để tôi có linh cảm rằng đây sẽ là một đóa hoa đẹp, và quả thật, chỉ sau có mấy tháng hít thở khí lạnh đất trời Nga... bỗng tăng ngót nghét hai chục kí lô, bỗng trở nên đầy đặn mỡ màng và rực rỡ nồng nàn... cứ như là từ kiếp sâu hóa bướm. Có tay người Ma-li suốt ngày nhăng nhẳng hỏi tôi: “Tao yêu Hà rất... rất yêu! Mày bảo Hà có thể yêu được tao không?” Tôi chỉ biết cười trừ, trong thâm tâm chẳng muốn một tẹo nào. Cô trước tên Hồng, nhà phố cổ, tuổi nhỏ mà âm trầm, mà duyên ngầm, thông minh và mơ mộng... Đọc “Khi em mười sáu tuổi” của A.BLOC, với lại “Thư gửi Mẹ” của S.ESENIN trong cuộc thi olimpic tiếng Nga do Trường tổ chức mà cứ vừa đọc vừa đi giật lùi, đến câu: “Dường trong quán rượu đêm nào. Tim con ai đã cắm vào một gươm” thì ngập ngừng đứng hẳn lại, hai má ửng hồng...
 
       Tôi trở lại Hà Nội lần nữa vào một ngày giữa tháng Năm. Trong không gian đã nghe oi lên hơi thở nóng hổi của mùa hè, nhưng mùa xuân mơ mộng và tình tứ thì vẫn như còn quyến luyến mãi đâu đó trên những chiếc lá bàng, trong màu xanh vòm sấu, trên mặt nước hồ xao động nhẹ vào mỗi buổi sáng sớm có cánh hoa khe khẽ rơi... Tôi lang thang khắp nơi, khắp trong thành ngoài thị, từ Thăng Long nội thành với Hàng Ngang, Hàng Đào... qua Hàng Đường, Hàng Bài, Hàng Lược..., về Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Khay..., nhìn “Ngựa xe như nước...” nơi những con phố dài chỉ độ chừng vài trăm thước... mà ngẩn ngơ trong tâm trí bao điều đã đọc, đã nghe về người Họa Sĩ ẩn dật đã làm nên cả một dòng tranh phố cổ với những con phố đã vĩnh viễn đi vào im vắng... Hay ngồi thơ thẩn trên ghế đá bên bờ hồ Trúc Bạch nhớ câu chuyện bạn kể về lịch sử, gốc gác hồ này (Bạn tôi - giai nhân của đất cố đô, nhưng lại thông thái bao chuyện dưới biển, trên trời... Khi tôi viết: rằng danh xưng Hà Nội có đâu từ thời vua Gia Long - Bạn cười: “Gia Long mô rứa hí? Minh Mạng đó tề...” Bạn tôi cũng tài hoa nữa - làm thơ đẹp tròn trịa, lạ lùng mà dịu dàng say đắm... hệt những dạ thưa... dị mọ... quê mình) Theo như lời bạn thì hồ Trúc Bạch có từ thế kỷ thứ XII - vốn chỉ là một góc phía đông nam của Hồ Tây. Ở đấy trước có làng Trúc Yên chuyên nghề làm mành trúc, trúc mọc như rừng. Nên đến đời chúa Trịnh Giang (nửa đầu thế kỷ thứ XVIII) có cho xây cung điện gọi là Viện Trúc Lâm, sau trở thành biệt cung giam giữ những cung nữ phạm lỗi, bắt phải dệt lụa mà kiếm sống. Lụa đẹp, bóng mượt... nức tiếng khắp kinh thành, nhưng sắc lụa thì buồn bã lắm - buồn như cuộc đời cung nữ đêm đêm thao thức bên khung cửi. Lụa làng Trúc (Hán tự có nghĩa là Trúc Bạch) ra đời như thế đấy. Bạn tôi còn kể nhiều chuyện khác nữa liên quan đến Trúc Bạch, Hồ Tây như chuyện những cung nữ năm xưa đã chấm dứt quãng đời lầm lũi bằng cách trầm mình xuống đáy hồ quyên sinh, để trong dân gian có thêm bao nhiêu câu chuyện huyền thoại về những hồn ma bóng quế... Tôi nhìn con đường Cổ Ngư thơ mộng nằm vắt ngang qua hai Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, những rặng liễu rũ lá xanh ngơ ngác xuống mặt hồ, thấy chạnh lòng thương nhớ những mái tóc dài của biết bao nhiêu người con gái... “Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ. Liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ…”… Lang thang đến Đền Hai Bà Trưng, đến tận gò Đống Đa, núi Nùng…, ngẩng mặt lên không trung để nghe âm âm đâu trong gió tiếng trống hào hùng của một ngày mùa xuân năm nào vua Quang Trung áo bào xạm đen thuốc súng, cưỡi voi trận chào năm cửa ô mà vào với Thăng Long vừa mới sạch bóng quân Thanh xâm lược. Tôi viếng cả Chùa Láng - Chiêu Thiền Tự, nơi thờ Thánh tăng Từ Đạo Hạnh cùng hậu thân của Ngài là Dương Hoán Lý Thần Tông, đầu óc thấy hoang mang, lùng bùng, tâm trí mơ mơ, màng màng sương khói bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu khúc mắc và nghi vấn lịch sử về mối liên hệ đáng ngờ giữa vị Thiền Sư đắc đạo với phu nhân Sùng Hiền Hầu…, giữa loạn thần Đỗ Anh Vũ, em trai Chiêu Hiếu Thái Hoàng Thái Hậu với lại Cảm Thánh Hoàng Hậu - vợ góa vua Lý Thần Tông… của một thuở Thăng Long đã xa xưa non mười thế kỷ. Tôi cũng hỏi mãi mà không biết phòng tuyến đã chặn đứng đại binh Tống của Quách Quỳ, Triệu Tiết… nằm ở chỗ nào? Chỉ nhớ không thể quên câu chuyện về người tuổi trẻ họ Ngô tên Tuấn, vốn xuất thân ở đất Kẻ Chợ Kinh Kỳ, đã từng là khách thương hồ xuôi ngược, tứ thời lang bạt, uống rượu sừng trâu, thổi tù và…, sau vì có công với nước được vua ban cho họ Lý. Nhớ hồi tôi lên sáu, Ba mua tặng tôi cuốn truyện tranh đầu tiên vẽ đầy hình lão tướng Lý Thường Kiệt ở tuổi... cổ lai hy, râu dài ngang ngực, cưỡi ngựa giữa đám sĩ tốt hộ vệ đội nón chóp, mang giáo dài, dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Bài thơ Thần vang trong đêm sông Như Nguyệt năm xưa tôi không đọc được, mãi sau này lớn lên mới biết “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”... Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được thành lập (cũng dưới thời nhà Lý) từ năm 1070, từ năm 1253 đổi tên là Quốc Học Viện, và từ năm 1483 đổi thành Thái Học Viện – một trong những di tích lịch sử quý báu của Thủ Đô. Tôi đi qua Tứ Trụ, qua cổng chính Văn Miếu Môn, sờ tay vào đôi rồng đá có niên đại từ thế kỷ thứ mười lăm, vào cổng Đại Trung Môn, ngang lầu bình thơ Khuê Văn Các, ngước mắt ngắm cổng Tò Vò ba mái biểu tượng cho Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai… Dừng lại trước Bái Đường thờ Chu Văn An – Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám, nhìn hai con Hạc mỏ ngậm ngọc đứng trên lưng Rùa đồng - biểu tượng cho trí tuệ và tri thức vĩnh viễn, mà lơ mơ nhớ chuyện “Thất Trảm Sớ”, mà chỉ muốn cúi đầu thấp mãi trước bóng dáng lỗi lạc của tiền nhân… Hồi cố Tổng Thống Pháp F. Mitterand thăm Đông Dương, và sau này Tổng Thống Nga V. Putin, Tổng Thống Mỹ B. Clinton… sang Việt Nam, đều có viếng thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi vẫn mãi nhớ, lúc xem trên vô tuyến, ánh mắt lạ lẫm xen lẫn hiếu kỳ của những vị khách đến từ một nền văn minh khác hẳn, đang nhìn dọc liếc ngang, nhìn thẳng ngó nghiêng khắp cửa Khổng, sân Trình…, thi thoảng lại còn cao hứng cầm dùi gõ ba hồi trống vang vọng sân trường Đại Học đầu tiên đó của Đại Việt, của Thăng Long văn vật nghìn năm...
 
       Tôi cũng thật biết ơn số phận đã cho tôi nhiều dịp đến được các thành phố thủ đô các nước, chân bước qua nhiều những phố chợ phù hoa, mắt ngó thấy những pháo đài xám ngoét, gồ ghề... của một thời “Thập Tự Chinh” quá vãng Châu Âu Trung Cổ; những đường nét vuông vức, sắc cạnh của dinh thự đền đài; những ngôi nhà tường cao kiểu Gô-tích; say mê ngắm những tượng đá, phù điêu, những công trình kỳ vĩ của kiến trúc Hy-La cổ điển thời Phục Hưng Thế Kỷ Ánh Sáng; ngơ ngác nhìn những tháp tròn nhà thờ cùng những mái vòm cung điện nguy nga, lộng lẫy dát vàng... của các trường phái Ro-man, Xla-vơ... mà chạnh lòng thương thương nhớ nhớ... những Tháp Bút, Tháp Rùa, những đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc... khiêm nhượng, lẫn khuất vào đâu đó trong bóng cây, bóng cỏ xanh xanh; những cửa ô bé nhỏ rêu phong: Quan Chưởng, Chợ Dừa, Cầu Rền, Cầu Giấy... cùng những đường ngang, ngõ tắt, những cung khuyết đạm bạc, đơn sơ ở đế kinh Huế sau này. Nghèo khó là một lẽ, lẽ khác phải chăng đó cũng còn là một cách thế, một suy nghĩ cha ông, một thái độ sống hòa hợp, hòa mình vào với thiên nhiên, với nắng mưa, cây cỏ quê hương... Cũng lại nhớ ngày còn học ở Huế, trong một chuyến thăm Khiêm lăng, tôi đã đứng như chôn chân trước tấm bia mộ bằng đá hoa cương trên có khắc câu văn của vua Tự Đức: “Ta trồng nơi đây thật nhiều cây để gọi chim về. Chim nào thấy vui thì cứ đến ở...” – Một chút vô vi Trang-Lão, một chút thiền của Phật học, một chút quyến luyến đời sống trần thế sớm muộn gì rồi cũng sẽ trở thành cát bụi quên lãng, chẳng có gì là trường cửu..., kể cả quyền uy tối thượng, điện ngọc cung vàng, lầu son gác tía, cả sắc vóc nghiêng nước nghiêng thành của ai kia, tất cả rồi cũng sẽ tan biến trong cõi hư vô... Thật đáng ghi nhớ, đáng cúi đầu ngẫm ngợi về những lời như những lời răn dạy, như những lời tâm sự, và nhắn nhủ sâu xa...

       Một ngày trước chuyến bay trở lại nước Nga, tôi tự thưởng cho mình buổi tối nghỉ ngơi, thư giãn cho đôi chân đã mỏi bằng cách ngồi đồng trong một quán cafe nhỏ ở góc phố, vừa ngắm những ngọn đèn đường, vừa nhấm nháp những giọt màu nâu đen đăng đắng, vừa nghe âm vang giai điệu trữ tình sâu lắng của bài hát “Em ơi, Hà Nội phố...” Tôi ngưỡng mộ Phú Quang, yêu những nét nhạc đẹp buồn bã (Lại có thể có một thứ âm nhạc nào hay, mà không buồn, được chăng? – Schubert) của người Nhạc Sĩ Hà Nội này: “Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em mùi Hoàng Lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai, tóc xoã vai mềm...” Bài hát tôi nghe lần đầu vào năm 1986, qua máy thu thanh, lúc còn là một gã sơn tràng vừa mới nứt mắt ranh, lăn lóc nơi những cánh rừng Trường Sơn thâm u bạt ngàn giáp biên giới Lào, trong cơn sốt như cơn sốt tìm vàng ở miền Viễn Tây nước Mỹ: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông. Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ...” Lúc đó thì tôi chưa biết ai là Phú Quang, ai là Phan Vũ? Chưa được mục sở thị một con phố bất kỳ của Hà Nội nào, chứ nói chi đến những con phố đã đi vào huyền thoại thơ, ca, nhạc, họa kiểu như phố Nguyễn Du, như đường Cổ Ngư... Và tất nhiên, làm sao mà tôi lại có thể biết được, rằng có một người Nghệ Sĩ đã lang thang hoài trên phố Hà Nội vào những ngày tháng Chạp năm 1972 đầy lửa và khói chỉ để tìm lại một: “Trời Hà Nội hôm qua. Ta còn em cô hàng hoa. Gánh Mùa Thu. Qua cổng chợ.”; và rằng, người Nhạc Sĩ tài hoa đã phổ vào hồn thơ rưng rưng, phiêu lãng ấy giai điệu miên man sâu lắng nỗi niềm thương cảm bằng chính nỗi nhớ những kỷ niệm ấu thơ máu thịt của mình: “Ta còn em hàng phố cũ rêu phong. Và từng mái ngói xô nghiêng. Nao nao kỷ niệm...” Tôi quả thật cũng không biết có bao lần trái tim đã ngân lên câu hát như lời tự tình từ thẳm sâu trong ký ức... khi miên man đi dưới bóng những hàng cây, lòng mường tượng một thoáng gió heo may về cùng với mùi hương hoa sữa thơm nồng nàn, ngây ngất... mà thấy cay lên nơi khoé mắt một mối giao cảm u buồn se thắt với những ai trót lỡ thương mến vĩnh viễn quãng đời son trẻ đã mãi mãi cách xa... Trở lại chuyện nghe bài hát giữa rừng già vào buổi chiều mưa năm đó, với tên tác giả Phú Quang xa lạ, tôi chẳng biết là ai, chẳng có lấy một hình dung nhỏ nào... Nhưng những câu hát thì cứ như thứ bùa ngãi của gã phù thủy cao tay ấn, đã lập tức lặn sâu, bám kỹ, chìm ngay vào hồn, để bây giờ, gần hai mươi năm sau ngồi nghe “... màu xanh thời gian... phai tóc em bay...” trong không gian đêm Hà Nội nhộn nhịp người qua lại, vẫn thấy nao nao man mác buồn một nỗi buồn vô bờ, vẫn thấy xao xuyến mơ hồ cùng bồi hồi xa vắng... với những cảm xúc nguyên thủy của một lần đầu, vẫn thấy nhớ day dứt một ánh mắt nâu... “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau. Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu...” Cô chủ quán có nét đẹp đằm thắm và... hoài cổ qua những vết chân chim liêu xiêu nơi cánh mũi, đã lại dịu dàng thay đĩa hát khác: “Hà Nội Mùa Thu” đó của Trịnh Công Sơn, rồi “Trời Hà Nội xanh” của Văn Ký, “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” qua giọng ca nam Đức Chính, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải... Có bao nhiêu người đã viết về Hà Nội, cho Hà Nội? Tôi không biết, nhưng chắc là nhiều lắm. Trí tưởng đầy ắp những hoài niệm bỗng chốc lại đưa tôi về tháng ngày bồng bềnh tuổi trẻ với những câu hát xé lòng của một người Hà Nội khác, thú thực, tôi đã không biết bất cứ một bài hát nào về thành phố của Nhạc Sĩ, nhưng mê đến không chịu được nỗi cô đơn cùng thứ khí phách nam tử hán của kẻ ngồi uống “Rượu một mình với ngọn đèn đêm. Khi gió thu về, một chú ve sầu nằm chết bên thềm... cửa sổ mùa thu...”, rồi thì “Rượu say gió buốt sau lưng, nhớ người dưng xa muôn trùng...”, với lại cái gì mà “Ôi những đêm ngắm sông, nhớ em buồn muốn khóc...” Ngày còn làm sinh viên ở Huế, tôi đã gào đến khản cổ trong những đêm ký túc xá vì cảm quá đỗi cái câu hát cao nguyên mênh mang tiếng sáo, mênh mang màu hoa Dã Quỳ vàng, cùng với ánh lửa hồng... và chiếc vòng cầu hôn lung linh trên tay người sương phụ: “Tôi yêu cao nguyên cao nguyên đầy gió...”. “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố…”. Hai đấy, tuy hai mà là một. Một Hà Nội, hai tính cách: một - tài hoa; một - lãng tử, phong trần…
 
       Tôi rời khách sạn trên đường Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm vào buổi sáng sớm còn chưa tỏ mặt người. Hà Nội ngái ngủ, uể oải những mùi vị của một ngày sống thường nhật đã lại bắt đầu: mùi khói xăng hăng nồng bảng lảng trong không khí, mùi thuốc lào, thuốc lá vụn lưu cữu từ đêm, mùi hương trầm phảng phất, mùi thức ăn nêm nếm ngào ngạt gia vị hành tỏi, cộng với mùi nước mắm chanh thơm lừng, mặn muối cay gừng..., mùi bún phở, vằn thắn sủi cảo, gà hầm thuốc bắc..., mùi nước hoa lặng lẽ của em gái đã từng một thời xuân sắc... Tất cả hòa quyện thành một thứ tổng hợp những mùi vị không thể thiếu của cuộc sống, của những thích thú phóng đãng, lẫn nhọc nhằn mưu sinh. Từ chiếc máy hát cũ của bác tài taxi Hà thành lịch lãm lại vang lên câu hát: “Dù có đi bốn phương trời...” Tạm biệt, tạm biệt Hà Nội. Phía trước đã là cầu Thăng Long, là sông Hồng nước đỏ tự ngàn năm..., và xa nữa, xa hơn nữa với ngập ngừng gió thổi... là quãng đường dài thăm thẳm trở lại miền tuyết trắng -

                               “Ơi, con đường xưa
                                Những mùa trút lá
                                Cành bàng mồ côi
                                Cổng cũ rêu phong
                                Ý đợi người ...”

Có bao nhiêu con đường tuổi trẻ đã từng qua, đã từng xa? Sao lúc nào cũng thấy buồn một nỗi buồn u uẩn? Tôi không có “Con đường xưa...” của riêng mình ở thành phố này như Quang Dũng, cũng không có người con gái Hà Nội nào ở tuổi:

                               “Em tuổi hai mươi
                                Yêu anh hào hiệp
                                Bỏ em anh đi
                                Đường hai mươi năm
                                Dài bao chia ly...”

như là người con gái của chàng thi sĩ hào hoa Tây Tiến năm xưa, để mà lưu luyến tiễn đưa, nhưng sao lúc sắp bước ra đi vẫn thấy lòng bịn rịn và bâng khuâng khó tả, vẫn thấy xao xuyến một nỗi gì không thể diễn đạt được thành lời. Cây có cội, sông có nguồn, con người cũng cần có một nơi chốn để hướng vọng, để đi về, một nơi chốn của kỷ niệm, của nỗi buồn, niềm vui. Hà Nội, với riêng tôi, là mảnh đất phát tích của cả một nòi giống, mảnh đất đã khai sinh và dung dưỡng qua biết bao nhiêu thế hệ dòng máu mà tôi đang mang trong mình. Chẳng có ai, chẳng có một điều gì, cho dẫu đó có là vĩ tuyến 16 hay 17, là lũy Trường Dục hay lũy Thầy, là sông Gianh hay là sông Bến Hải... lại có thể làm phai lạt trong tôi những ý niệm về cội nguồn, tiên tổ..., lại có thể làm tôi quên đi bàn chân Giao Chỉ mẹ Âu Cơ ban cho tự buổi chào đời nơi cánh đồng phì nhiêu màu mỡ phù sa châu thổ, bên bếp lửa hồng bập bùng, và cuộc chia ly không đau lòng cả nghìn nghìn... năm trước. Hà Nội đã thức giấc, ồn ào tiếng xe cộ đinh tai nhức óc, xao xác tiếng người gọi nhau, toang toác tiếng quát tháo mắng chửi, vội vã những lời nhắn gửi dặn dò... Tôi lên cầu thang máy bay, biết chẳng có ánh mắt nào đưa tiễn. Tôi cũng chỉ như đứa con lưu lạc chân trời, góc biển một buổi tìm về nơi chôn nhau, cắt rốn của ông bà, cha mẹ..., chẳng nhìn ra được điều gì thân thuộc, cảnh lạ người dưng, hoa vàng giậu cũ, cố nhân đâu chẳng thấy, chỉ thấy cố quận bời bời mây trắng... Nhưng mà thôi, hẵng tạm biệt Hà Nội - đất của ngàn năm văn hiến, của bao dòng lịch sử nổi trôi... Chắc rồi tôi cũng lại sẽ trở về, để lại được quỳ chân uống nước sông Hồng, để lại được hôn lên mặt trống đồng... nghe vang vọng trầm hùng những lời sông, lời núi..., để lại được thử bước những bước “càn khôn tuý luý” như của Vũ Hoàng Chương ở ngõ Thanh Miện năm xưa..., để rong chơi qua các ngõ cổ Hà Nội như các ngõ: Cấm Chỉ, Phất Lộc, Hạ Hồi..., ngõ Tạm Thương, ngõ Văn Chương..., hay học đòi lề thói trưởng giả, thong dong như của cụ Nguyễn ở nơi con ngõ 90, để đêm về lại lần hồi giở từng trang “Vang bóng...” mà say mê đắm đuối đọc đến không biết bao nhiêu lần, đến thuộc nằm lòng... những áng văn chương bất tử. Và thêm nữa, cũng để... được đứng tần ngần với cây hoa sữa ở gần chùa Quán Sứ, dịu dàng ôm siết bờ vai mềm mại đẫm mùi hương hoa, đẫm mùi hương đêm của người con gái đã xa rất xa lứa tuổi trăng tròn..., mà thủ thỉ tâm tình, mà thổ lộ nỗi lòng bấy lâu nay vẫn còn đào sâu chôn kín.
 
       Hà Nội như là người tình trong mộng, người tình xa. Tôi đã viết thế. Hà Nội cũng còn là người tình muôn thuở, bởi bây giờ đó là nơi ở của nụ cười, mái tóc tôi yêu... Tạm biệt, tạm biệt Hà Nội! Tạm biệt những ngày lang thang phố xá, những đêm buồn bã rã rời. Tạm biệt những buổi sáng mờ sương, những chiều chớp bể mưa nguồn, những gió bấc mưa phùn. Tạm biệt những bin-đin, cao ốc chọc trời, khu Giảng Võ - chợ người... Tạm biệt cả ánh mắt ngơ ngác, trong veo của em bé đánh giầy bên vỉa hè lầy bụi. Tạm biệt Hà Nội! Đất của tự hào và đau khổ, của niềm kiêu hãnh và nhớ thương...

                   Viết xong vào lúc 3 giờ 20 phút Sáng Ngày 16.12.2010

                                                   Trần Đình Bảo
  

 
                       Thầy Nguyễn Văn Giát và Thầy Lê Đức Mẫn - Voronez 1990.


                                   

                                           Hậu - Kim Liên tốt bụng hiền hiền...                                
                                                                                                       
  

 Tỳ bà Ngã Tư Sở... (ôm chú gấu Misa, còn không ôm chú gì, chỉ thích ôm có mỗi chú 

 Hậu không thôi, thì là Ngọc, hehe...)
 

 Cái gã ngồi đường hoàng, chỉnh chọe ở ngay bên cạnh...chính là 
 Khổ Trang chủ Trần Đình Bảo 20 năm về trước đấy, he he...
 
                                
                               
Tỳ bà... nó đi Xơ-un 20 năm sau... đây!

  
                                     
                                      
                                   Á hậu Trần Mai Lan - Ngày ấy...                                                                                     
 
                                                          Voronez 1990... 
                          
                               ... và bây giờ - Kiev 2011 (vẫn còn đẹp lắm, huhu...)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------




    • CỏCỏ
    • Feb 28, 2013 10:17 PM
    Cỏ Lông Chông at 05/10/2012 04:31 am reply
    Phải có một tình yêu dành cho Hà nội nồng nàn và sâu sắc lắm thì mới viết được hay và đầy cảm xúc như thế này. Cám ơn Cỏ đã đưa tôi trở lại quê hương qua áng văn diễm lệ.
    *
    Cỏ at 05/10/2012 05:42 pm reply
    Anh Cỏ Lông Chông vẫn còn ở Séc phải không?
    *
    Nguyệt Vũ at 05/08/2012 11:01 pm comment
    Cái gã ngồi đường hoàng, chỉnh chọe ... ấy có lẽ đã khiến bao đôi mắt đẹp đẫm lệ rồi. Đồ rã man
    *
    Cỏ at 05/09/2012 05:41 am reply
    Ơ... Chị mắng em... có căn cớ... gì không? Sao đang là... Người bị hại..., bỗng dưng đùng phát biến thành... Kẻ đi di hại... thía lày? Hu hu...
    *
    Nguyệt Vũ at 05/09/2012 10:03 am reply
    Nin...khong mang iu tiep bay gio, he he
  • Cỏ
    • Cỏ
    • Feb 28, 2013 9:05 PM
    Mê Khúc at 05/13/2012 07:16 am comment
    Chờ xem ảnh của Cỏ mãi mà chẳng thấy. Cái dãy núi ấy hùng vĩ, nên tớ cứ ngóng Cỏ ạ. Chủ nhật Cỏ vui, nhé.

    • Cỏ
      • Cỏ
      • Feb 28, 2013 9:05 PM
      Cỏ at 05/13/2012 04:17 pm reply
      Tại Mê Khúc bảo Mê Khúc không có đủ thời gian để vào Blog, cho nên Cỏ không vội, mà Cỏ cũng bận quá đi, Mê Khúc ạ! Loạt ảnh suối nguồn Cap ca zơ thì tất nhiên là Cỏ sẽ đưa lên rồi, cùng với một Entry viết riêng cho Mê Khúc nữa... Chờ Cỏ chút, nhé Mê Khúc nhé...
    • Cỏ

      • Cỏ
      • Feb 28, 2013 10:27 PM

      Cỏ at 05/07/2012 06:42 am comment
      Tử Đinh Hương 17:00 31-10-2011 Đọc tuỳ bút của Cỏ về HN, khó có thể nói hết được cảm xúc của mình... chỉ có thể cảm nhận rằng khi Cỏ đã yêu thứ gì đó thì rất sâu sắc. Hình như Cỏ ghé HN hai lần, một lần thì hầu như ngắm mỗi phố Trương Định, lần sau thì đi được nhiều hơn nhưng HN trong Cỏ rất đủ đầy: từ địa lý, lịch sử, danh nhân ... cho đến thơ, nhạc hoạ... Những kiến thức đó kể cả người HN gốc cũng khó có thể tận tường đến thế! Cảm ơn bạn nhiều, đã yêu Hà Nội!
      *
      Cỏ 16:16 02-11-2011
      Thích nhất cái Hồ Tây. Thứ nữa là các món ăn ngon. Thứ nữa là con gái Hà Nội da trắng bóc, đẹp như gì(ấy ấy, cái khoản này là phải đưa lên đầu tiên cơ, trước cả cái Hồ Tây kia mới đúng.) Nói túm lại... là thích đủ thứ, hehe...
      *
      NHU MÌ 16:30 30-08-2011
      Mọi hành tung của gã đều k qua được mắt ta, riêng chi một cái chuyện lập blog.
      *
      Cỏ 16:10 02-11-2011 Thế hóa ra nhà ngươi là mật vụ đấy! Cóc sợ... (dưng mà cười cầu tài phát, hehe... )
      *
      NHU MÌ 09:32 30-08-2011
      Hello Cỏ! Khi nào, khi nào gã zìa Hà Nội gặp gỡ chúng cố nhân đây?
      *
      Cỏ 16:07 02-11-2011
      Khi nào? Khi nào? Tối nay..., tối nay ta sẽ độn thổ về thẳng Hà Nội, về thẳng luôn nhà của nhà ngươi. Hừ, chuẩn bị rượu thịt sẵn đi! Ta đánh chén... xong rồi thì ngược, chứ không có cò cưa gì được, thời giờ là vàng bạc, ha ha...
      *
      HOA TULIP at 05/05/2012 05:57 am comment
      Ut Tem nữa nè! Làm ut nhớ Hà Nội rùi! “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội. Những phố phường tuổi thơ tôi vời vợi...”
      *
      Cỏ at 05/05/2012 06:00 am reply

2 nhận xét:

  1. 1- ái chà.
    2- mềnh về nội thành chỉ chịu ở quanh Trúc bạch và Tây hồ đủ 27 năm,chỉ biết thích ở đây- ko lý giải nổi.Giờ đọc cậu viết ngỡ ngàng vì cái cách biết sâu sắc đến nơi đến chốn của em.
    3- Cám ơn số phận cho tôi đi.....cậu viết thế,sống cuộc đời nhỏ nhoi chật hẹp,sớm có được những phút giây thảnh thơi thế này được đọc thôi chị đã cảm ơn số phận lắm rồi Bảo à.Cám ơn em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1-Chị thích là được rồi. Là em phải cảm ơn chị rồi. Chứ chị sao lại đi cảm ơn em? Cười! Cái Tùy bút này lúc trước khi em chưa mở Blog thì được đăng tải ở nơi Chuyên mục: Truyện hay... trên Văn Nghệ Chủ Nhật, sau em mở Blog Yahoo rồi mới mang về... Cười!!
      2-Chị đọc cái đoạn về Phan Vũ và bài hát "Em ơi... Hà Nội phố!" của Nhạc Sĩ Phú Quang, chị có nghĩ ngợi gì về tác giả của bài thơ không? Đa số những người yêu Hà Nội và yêu giai điệu trữ tình sâu lắng của bài hát về Hà Nội ấy đều đinh ninh rằng Phan Vũ chắc chắn phải là một người Hà Nội gốc, thì mới có thể viết được bằng một cách hay và thấm đẫm hồn phố hồn người Hà Nội như thế... Ít ai biết được rằng Phan Vũ lại là một người... Quảng Nam - Đà Nẵng từ trong huyết quản. Cũng giống y như là Lưu Quang Vũ sau này vậy- một người Quảng trưởng thành nơi đất Bắc...

      Xóa